Dân Việt

"Cổ phiếu họ Vin" ngược chiều, tỷ phú Phạm Nhật Vượng "bốc hơi" 723 tỷ đồng

Hoàng Nhật 29/05/2018 18:14 GMT+7
Mặc dù VnIndex tăng 20,43 điểm (2,19%) lên 952,18 điểm trong phiên giao dịch ngày 29.5, song cổ phiếu VIC và VHM lại diễn biến ngược chiều, quay đầu giảm nhẹ, khiến tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm khoảng 723,97 tỷ đồng, xuống 79.636,60 tỷ đồng.

img

Tỷ phú USD Trần Đình Long đã soán vị trí thứ 3 của ông Trịnh Văn Quyết trên bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam

VnIndex đảo chiều, tỷ phú USD Trần Đình Long soán vị trí thứ 3 của ông Trịnh Văn Quyết

Phiên giao dịch ngày 29.5, TTCK Việt Nam chứng kiến dòng tiền đổ vào thị trường một cách chủ động. Sự hưng phấn đến từ cổ phiếu VCB đã được lan tỏa tới các mã của ngành ngân hàng, các cổ phiếu ACB, CTG, BID đều tăng giá mạnh, cổ phiếu VPB cũng đã tăng giá khi nhận được sự cộng hưởng của dòng ngân hàng.

Một nhóm khác cũng có sự trưởng ấn tượng là nhóm chứng khoán khi các mã hàng đầu như SSI, VCI, HCM đã tăng mạnh để kéo theo đà tăng của VND, SHS… Giá trị giao dịch của nhóm cổ phiếu dầu khí gồm PLX, PVS cũng tăng trưởng trên 5%.

Tính tới đầu phiên giao dịch chiều 29.5, lực cầu dồn dập đổ vào thị trường đã giúp các chỉ số tăng vọt. Thanh khoản toàn thị trường cũng tăng lên đáng kể với giá trị giao dịch gần 4.000 tỷ đồng. Khối ngoại hiện mua ròng hơn 30 tỷ trên toàn thị trường. Số mã tăng điểm cũng áp đảo hoàn toàn với 344 mã, trong khi số mã giảm chỉ là 169.

img

Trong khi cổ phiếu VIC đứng đầu nhóm bán ròng thì cổ phiếu HPG đứng đầu nhóm mua ròng trên HOSE (Ảnh: I.T)

Thời điểm gần về cuối phiên giao dịch, diễn biến vẫn tăng giá tốt, tuy nhiên không giữ được mức giá cao nhất trong phiên. Đóng cửa phiên giao dịch, VnIndex tăng 20,43 điểm (2,19%) lên 952,18 điểm; Hnx-Index gây ấn tượng hơn khi tăng 5,51điểm (5,13%) lên 112,88 điểm và Upcom-Index 1,24 điểm (2,42%) lên 52,33 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 183,98 triệu đơn vị, giá trị  5.339,82 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên 28.5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,68 triệu đơn vị, giá trị 1.093 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 9,5 triệu cổ phiếu VRE, giá trị 399 tỷ đồng và 4,264 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 237 tỷ đồng.

Tâm điểm của TTCK Việt Nam ngày 29.5 thuộc về nhóm ngân hàng khi nhóm này đồng loạt tăng trần trong phiên hôm nay. Cụ thể, CTG đạt 26.500 đồng, tăng 6,98%; BID đạt 27.600 đồng, tăng 6,98%; VCB đạt 50.000 đồng, tăng 6,84%; VPB đạt 41.500 đồng, tăng 7%; STB đạt 11.600 đồng, tăng 6,9%; MBB đạt 28.100 đồng, tăng 6,8%; HDB đạt 35.500 đồng, tăng 6,9%... Trong đó, cổ phiếu VCB, CTG, BID là những cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho chỉ số VnIndex.

img

Cổ phiếu PVS, SHB, ACB đã tạo tác động lớn tới sự tăng trưởng của HNX-Index (Ảnh: I.T)

Trên sàn HNX, cổ phiếu ACB, VCS, PVS tăng trần và trở thành động lực để kéo HNX-Index tăng hơn 5% trong phiên hôm nay.

Ngoài ra, nhóm bất động sản, xây dựng cũng có nhiều mã chứng khoán tăng trần như DXG, CTD, HBC.

Ở chiều ngược lại, trong nhóm VN30, giá trị giao dịch của các cổ phiếu VIC, GAS, ROS, SAB giảm đã kìm hãm mức tăng của thị trường. Trong đó, ROS suýt giảm sàn trong phiên hôm nay.

Tính riêng 5 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu ROS đã giảm gần 25% giá trị giao dịch, hiện chỉ còn 53.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức giá 70.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 23.5.

img

Ông Trịnh Văn Quyết đã tụt xuống vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam

Điều này đã tạo ra sự thay đổi vị trí xếp hạng trong nhóm 10 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.

Cụ thể, trong khi đà giảm của cổ phiếu ROS trong 10 phiên giao dịch gần nhất khiến tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC “bốc hơi” khoảng 10.000 tỷ đồng, xuống còn 18.319,64 tỷ đồng sau phiên giao dịch ngày 29.5 thì việc cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát tăng 3.300 đồng/cổ phiếu (6.78%) lên 52.000 đồng/cổ phiếu sau phiên giao dịch ngày 29.5 đã giúp tài sản của ông Trần Đình Long tăng thêm 1.259,14 tỷ đồng lên 19.840,97 tỷ đồng. Đồng thời, chiếm vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam của ông Trịnh Văn Quyết nhờ sở khối hữu tài sản chứng khoán nhiều hơn khoảng 1.500 tỷ đồng.

Theo thông tin mới nhất từ phía Hòa Phát, trong năm 2018, Công ty sẽ thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2017.

Cụ thể, nhằm chi trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 40% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 4 cổ phiếu), Hòa Phát dự kiến phát hành hơn 606.8 triệu cổ phiếu HPG. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 2-3.2018 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Toàn bộ số cổ phiếu phát hành thêm sẽ được niêm yết bổ sung tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Với số vốn điều lệ hiện tại hơn 15,170 tỷ đồng, sau khi phát hành, HPG dự kiến nâng vốn điều lệ lên trên 21,240 tỷ đồng.

Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng “bốc hơi” 723 tỷ đồng

Trên thị trường chứng khoán, bộ ba "cổ phiếu họ Vin" đã có sự phân hoá, trong khi cổ phiếu VRE tăng 2,7 điểm, lên, 43.000 đồng/cổ phiếu thì giá trị của cổ phiếu VIC đã giảm nhẹ 1.000 đồng/cổ phiếu (0.9%) xuống 110.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VHM cũng giảm 1 diểm, tương đương 0,85%, xuống giá 116.000 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vì thế cũng giảm khoảng 723,97 tỷ đồng, xuống 79.636,60 tỷ đồng.

img

Tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm khoảng 723,97 tỷ đồng, xuống 79.636,60 tỷ đồng

Tập đoàn VinGroup mới đây đã công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2018 sẽ được tổ chức vào ngày 31.5 tới đây.

Năm 2017 được coi là năm bản lề của Vingroup với sự bứt phá của các lĩnh vực đang hoạt động và gia nhập lĩnh vực kinh doanh mới. Doanh thu hợp nhất năm 2017 của Vingroup đạt 89.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.655 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 55% và 27% so với năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 1.816 đồng.

Tại đại hội, Vingroup sẽ trình phương án chi trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1.000:210 (mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần được nhận cổ tức bằng 210 cổ phần). Sau đợt chi trả cổ tức này, vốn điều lệ Vingroup sẽ tăng lên 31.916 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế lũy kế đến năm 2017 và lợi nhuận sau thuế quý 1.2018. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II.2018.