Dân Việt

Được vay 40 triệu chuộc đất ruộng, tôi mới có ngày hôm nay

 Phương Đông 01/06/2018 05:55 GMT+7
Đó là tâm sự của anh Thạch Thành Trung, dân tộc Kh'mer, ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) khi nói về tác dụng của nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Sau hơn 6 năm thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng vốn chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), không chỉ dư nợ tín dụng tăng mà đã xuất hiện nhiều mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả. Đây là 1 trong những yếu tố giúp vốn tín dụng chính sách phát triển bền vững…

Cải tạo vườn tạp, chuộc lại đất

Nói về đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, ông Nguyễn Văn Lẹ, ấp Ô Chích, xã Lương Hòa, (Châu Thành) vẫn nhớ như in cái thời cách đây gần 10 năm...

img

Cùng với chanh không hạt, vườn dừa mang lại mỗi năm gần 100 triệu đồng cho gia đình ông Nguyễn Văn Lẹ.

“Khi đó nhà tui nghèo rớt à. Chổ nhà tui ở và khu vườn xung quanh vốn hoang hóa rậm rạp. Thôi thì đủ thứ cây hằm bà làng. Bữa đó được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, cha con vợ chồng tui mới cải tạo dần đám vườn rồi thả mấy trăm gốc dừa, trồng vườn chanh không hạt. Cái nhà này tui cất được, rồi dựng vợ gả chồng cho con cái cũng từ cây dừa, cây chanh không hạt mà ra đó chớ… Rồi có vốn, tui trồng thêm bưởi da xanh…”. Ông Lẹ còn thổ lộ thêm, cách đây 10 năm mà được vay 20 triệu đồng là đã lơn lớn rồi.

Còn khi nói tới đồng vốn Ngân hàng CSXH, anh Thạch Thành Trung, dân tộc Kh’mer, ấp Sóc Chùa (Cầu Ngang) thổ lộ: “Nếu không được vay vốn Ngân hàng CSXH, chắc giờ vợ chồng tui cũng không có miếng đất để canh tác. Số là đất của má tui, nhưng má đem đi cầm cố để nuôi 8 đứa con. Khi tui lấy vợ, má kêu nếu chuộc được đất thì cho vợ chồng tui. Nhưng tui đi mần mướn hoài đâu có tiền chuộc nếu không được Ngân hàng CSXH cho vay 40 triệu đồng…”.

img

Ngoài được vay vốn chuộc đất, anh Thạch Thành Trung còn được hưởng chính sách vay vốn hỗ trợ làm nhà ở.

Chuộc được 3 công đất, vợ chồng anh Trung thuê thêm 2 công nữa để xuống giống đậu phộng. “Năm 2017 đậu phộng được mùa, tính ra lời được 30 triệu đồng. Năm nay thất bởi mưa úng nhưng sau đó vợ chồng xuống giống đậu bắp nên cũng kiếm được. Mỗi ngày bẻ vài chục ký mang đổ cho sạp ở chợ cũng có vài trăm ngàn đồng…”, anh Trung phấn khởi cho hay.

Ở ấp Cẩm Hương, xã Mỹ Hòa (Cầu Ngang) ai cũng khen vợ chồng ông Nguyễn Văn Sáng-Nguyễn Thị Lý là chăm chỉ, hay làm. Ông Sáng vốn là cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Tây Nam sức khỏe yếu. Thế nhưng vợ chồng ông từ nghèo khó vươn lên có đời sống ổn định. Bà Lý chia sẻ: “Hồi nhà nghèo được Ngân hàng CSXH cho vay vốn đầu tư nuôi bò sinh sản. Cái nhà này do anh em đồng đội của ông xã giúp xây cho, nhưng gia đình cũng bỏ thêm vài chục triệu đồng. Số tiền bỏ thêm có được là nhờ bán mấy con bò. Giờ trong chuồng nhà tui vẫn còn 5 con bò làm vốn…”.

img

Mùa nào thức nấy, mỗi ngày vợ chồng ông Sáng, bà Lý có thu nhập ổn định 150-200 ngàn đồng từ 2 công trồng rau, màu.

Nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã tạo đà vươn lên cho vợ chồng bà Lý. Dư chút đồng tiền, vợ chồng bà Lý quay sang trồng màu. Từ mô hình trồng màu,vợ chồng bà Lý có thu nhập đều đều từ 150-200 ngàn đồng/ngày. “Ở đất giồng (đất vùng cao) mà chịu khó thì nuôi bò cũng có thu nhập mà trồng màu cũng có tiền. Nhà tui có 2 công đất màu nhưng mùa nào thức nấy, lúc nào cũng có sản phẩm để bán từ rau muống, rau cải, bắp nếp, đậu bắp, dưa leo, đậu đũa…Nói thoát nghèo khó thì khó, nhưng dễ cũng dễ miễn được vay vốn ưu đãi và chịu khó làm ăn…”, bà Nguyễn Thị Lý quả quyết.

Vốn đi liền tư vấn cách làm ăn

Hộ khách hàng sử dụng hiệu quả đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH chính là 1 trong những yếu tố để tăng trưởng nguồn vốn bền vững, chất lượng tín dụng nâng cao. Để thực hiện được điều này, những năm qua với sự chủ động đề xuất, tham mưu của Ngân hàng CSXH, cấp ủy, chính quyền, các ngành và các Hội đoàn thể tỉnh Trà Vinh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Một trong những giải pháp hiệu quả là đẩy mạnh hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn cách làm ăn.

img

Nhiều hộ nghèo ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh) sử dụng vốn vayNgân hàng CSXH đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh:  Phương Đông.

Ông Phan Văn Oanh, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa (Châu Thành) cho biết: “Bên cạnh việc tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, địa phương cũng đã quy hoạch các vùng sản xuất nông sản chủ lực như trồng cây có múi, trồng thanh long, trồng cỏ phát triển đàn bò sinh sản. Gần đây có nhiều hộ chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Các mô hình sản xuất mới đều được địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật, chuyển giao kinh nghiệm cho bà con. Đây chính là 1 trong những yếu tố giúp cho bà con sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả, theo đó chất lượng tín dụng chính sách cải thiện rõ rệt…”.

“Khi biết hộ vay vốn đầu tư vào mô hình sản xuất thì Tổ, các Hội đoàn thể ở thôn, ấp, xã cũng như Ngân hàng CSXH thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, giám sát và có hỗ trợ, tư vấn kịp thời khi mô hình đó xảy ra chuyện chẳng hạn về nguy cơ dịch bệnh, tiêu thụ…”, chị Thạch Thị Thùy Linh.  

Tương tự, tại xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang), cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cũng chú trọng tập huấn, dạy nghề cho nông dân, trong đó chú ý quan tâm tới những hộ nghèo, hộ vay vốn Ngân hàng CSXH. “Mấy năm nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh cũng nhờ chuyển đổi sang nuôi tôm. Bên cạnh tổ chức tập huấn, dạy nghề nuôi trồng thủy sản, xã cũng chú trọng tập huấn, hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn. Hộ nghèo ít hoặc không có đất nuôi tôm thì chúng tôi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Thời gian gần đây, bò có giảm giá, nhưng xét toàn diện thì nuôi bò sinh sản vẫn có lời phù hợp với hộ nghèo, hộ khó khăn…”.

Việc tư vấn cách làm ăn, phương án sử dụng vốn Ngân hàng CSXH hiệu quả ở Trà Vinh còn phải kể tới đội ngũ chủ chốt của các Tổ tiết kiếm và vay vốn (TKVV). Đây chính là những người không chỉ thực hiện trực tiếp một số công đoạn của chương trình cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội mà còn là người trực tiếp sát sao với các chủ hộ vay vốn. Chị Thạch Thị Thùy Linh-Tổ trưởng tổ TKVV ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa (Cầu Ngang) chia sẻ: “Khi đã bình bầu được hộ đủ điều kiện vay vốn là Tổ đã phải tư vấn cách làm ăn rồi. Chúng tôi cùng chủ hộ thảo luận lên phương án xem dùng đồng vốn đó trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả mà phù hợp với hộ đó…”.