Lệnh cấm bất ngờ này được đích thân Tướng Ahmed Balloul - Chỉ huy hàng đầu của Không quân Syria đưa ra, quyền sử dụng các kho chứa ở căn cứ không quân nước này chỉ được dành cho Quân đội nước này.
Dù không tuyên bố lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ khi nào nhưng đây được coi là phản ứng mới nhất của Syria sau khi nước này hứng chịu loạt trận không kích của Israel vào các mục tiêu có sự hiện diện của lực lượng Iran.
Lực lượng Iran được cho là hiện diện tại Syria từ năm 2012
Ngoài ra, theo nhận định của một số chuyên gia, quyết định bất ngờ được Syria đưa ra do có ảnh hưởng từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Syria Bashar Assad hôm 24.5.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh các lực lượng nước ngoài nên rút quân khỏi Syria để đảm bảo thành công cho tiến trình chính trị.
Tuy nhiên điều bất ngờ là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran – ông Bahram Qasemi – khẳng định Iran sẽ tiếp tục cho quân đội đóng tại Syria theo đề nghị của chính quyền Damascus. "Không một ai có thể ép buộc Iran làm cái gì. Iran có chính sách riêng của mình", ông Bahram tuyên bố.
Ông này còn khẳng định, Iran tiếp tục ở lại Syria bởi cuộc chiến tại đây không còn là cuộc chiến ủy nhiệm nữa và việc rút quân đội nước ngoài khỏi Syria không phải là chuyện của Iran mà đó phải là Mỹ, Pháp cùng Thổ Nhĩ Kỳ.
Vị phát ngôn viên này còn khẳng định rằng, quân đội nước này đến Syria để chiến đấu chống khủng bố theo yêu cầu của chính quyền Damascus. "Nếu chính phủ Syria thấy cần thiết, chúng tôi sẽ tiếp tục ở lại đó" - ông Qasemi nói.
Trên chính trường Syria hiện nay, Nga và Iran là hai lực lượng được chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad mời tới quốc gia này để giúp đỡ cuộc chiến chống khủng bố.
Iran đã hiện diện quân sự ở Syria ít nhất từ năm 2012 và điều này đã tạo nên một lợi thế mạnh mẽ cho Tehran trên chính trường Syria. Khi tác chiến phối hợp giữa Iran và Syria, Tehran có nhiều lợi thế để kết hợp lực lượng và duy trì sức ảnh hưởng tại đây.
Lực lượng Nga lại là lực lượng tấn công chống khủng bố có hiệu quả đáng kể tại Syria. Liên quân chống khủng bố do Nga đứng đầu hợp lực với quân đội chính phủ Syria và Iran đã giành chiến thắng nhiều khu vực trọng yếu và điều này tạo điều kiện cho Moscow có được sức ảnh hưởng lớn tại Syria.
Trong khi đó, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp là các lực lượng đang duy trì sự hiện diện ở đây mà không có sự cho phép của nhà lãnh đạo Syria, theo ông Qasemi, đây mới là những lực lượng phải rời khỏi Syria.