Dân Việt

Vì sao tàu du lịch thải ở Hạ Long lại "bơi" sang Cát Bà?

Nguyễn Quý 31/05/2018 09:15 GMT+7
“Sự cố tàu Hoàng Phương vừa qua đã cho thấy bài học trong quản lý tàu du lịch, dù đến khi vụ việc xảy ra thì tàu đăng ký, đăng kiểm và hoạt động tại Hải Phòng, tuy nhiên cũng có trách nhiệm của Quảng Ninh” - ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Đầu tháng 5 vừa qua, du khách người Úc Lynne Ryan cùng 6 người bạn mua một tour tham quan vịnh Hạ Long trên tàu HP 4686 (thuộc quản lý của TP.Hải Phòng) từ một đại lý du lịch tại Hà Nội. Thất vọng vì chất lượng dịch vụ trên tàu quá kém, bà Lynne đã viết trên facebook cá nhân và được một số báo điện tử của Úc dẫn lại.

img

Tàu du lịch Hoàng Phương đã chuyển vùng hoạt động sang Hải Phòng từ năm 2017.

Tổng cục Du lịch Việt Nam ngay sau đó đã cùng TP.Hải Phòng và Quảng Ninh vào cuộc và xử lý vụ việc. Sau khi tiến hành kiểm tra, tỉnh Quảng Ninh xác định du khách Lynne Ryan đã mua tour du lịch Hạ Long hai ngày một đêm tại Văn phòng du lịch Spring Travel Agency, 21 Ngõ Huyện, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo lịch trình, du khách đi tham quan vịnh Hạ Long từ Tuần Châu trong hai ngày 2 và 3.5. Thực tế thì du khách được đưa qua phà sang Gia Luận (Cát Hải, Hải Phòng), lên tàu Hoàng Phương 16, biển kiểm soát HP-4686 đi du lịch tại Cát Bà.

Đến ngày 28.5, Tổng cục Du lich đã gửi thư xin lỗi bà Lynne Ryan.

Theo ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tàu Hoàng Phương tuy đáp ứng tiêu chuẩn chung về vận tải khách thủy, nhưng khi đối chiếu với các quy định của Quảng Ninh để thực hiện mục tiêu siết chặt quản lý đối với tàu du lịch không đáp ứng, nên Quảng Ninh đã thông báo dừng. Sau đó, con tàu được di chuyển sang các tỉnh khác và Hải Phòng hoạt động.

img

Tàu đưa khách tham quan vịnh Hạ Long xuất bến tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu. Ảnh: Nguyễn Quý.

Việc siết chặt quản lý này, theo ông Diện, nhằm đảm bảo 3 tiêu chí: Thứ nhất, là đảm bảo an toàn cho du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách khi đến vịnh Hạ Long. Thứ hai, đảm bảo an ninh trật tự trên Vịnh, khắc phục tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan. Thứ ba, đảm bảo môi trường vịnh Hạ Long, thực hiện theo khuyến nghị của Unesco. 

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) đã ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long và các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà,.

Trong đó có nội dung: Tuần tra, giám sát hoạt động du lịch và khách du lịch; ngăn chặn và phối hợp xử lý các hành vi vi phạm Luật giao thông đường thuỷ nội địa và các quy chế, quy định của địa phương như thiếu hoặc không có giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến hoạt động vận chuyển khách du lịch, hành trình sai luồng tuyến, nghỉ đêm ngoài khu vực lưu trú theo quy định, vận chuyển, chuyển tại khách trái phép, trốn lậu vé tham quan các Vịnh...

img

UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo xác minh và đính chính thông tin không chính xác về du lịch Hạ Long.

Về nguyên tắc xử lý vi phạm, ghi rõ: “Trong quá trình tuần tra, giám sát trên vùng giáp ranh, khi phát hiện vi phạm xảy ra trong địa bàn quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì xử lý theo quy định”.

“Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là bất cứ doanh nghiệp nào, ở đâu nếu đủ điều kiện vào hoạt động trên vịnh Hạ Long, thực hiện đúng quy định tỉnh không hạn chế” – ông Diện khẳng định.

Trong một diễn biến có liên quan, từ ngày 30.5 UBND TP.Hải Phòng cũng đã thành lập đoàn công tác liên ngành thanh tra toàn bộ phương tiện thủy hoạt động tại Cát Bà, Đồ Sơn trong 10 ngày.