Dân Việt

Bán chẳng ai mua, dân xứ Nghệ mang "sợi vàng" ra đốt

Văn Trường 30/05/2018 18:33 GMT+7
Thời điểm này về huyện Yên Thành (Nghệ An), trên những cánh đồng sau thu hoạch khói mịt mù do người dân đốt rơm rạ. Việc làm này vừa lãng phí nguồn rơm rạ, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Cứ 3- 5h chiều, khói rơm từ các cánh đồng mù mịt bốc vào cả khu dân cư, che khuất cả đường giao thông nhất là ở các xã Tăng Thành, Nam Thành, Xuân Thành, Bắc Thành.

Chị Trần Thị Mai ở thị trấn Yên Thành nói: Buổi chiều đi xe máy dọc Quốc lộ 7B qua các xã Xuân Thành, Bắc Thành khói đốt rơm rạ từ cánh đồng mù trời vừa ngột ngạt, vừa che khuất tầm nhìn, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

img

Bà con xã Bắc Thành (Yên Thành) đốt rơm rạ mù trời gây ô nhiễm. Ảnh: Hồ Các

Bà Nguyễn Thị Phiên ở xóm Vĩnh Thành, Yên Thành chia sẻ: Nhà làm 4 sào ruộng, trước đây đều đưa rơm rạ về để làm chất đốt và thức ăn cho trâu bò. Nay trâu bò không nuôi, lại nấu bếp gas nên sau thu hoạch lúa chúng tôi đành đốt hết rơm rạ ngoài đồng. Dẫu biết đốt rơm, rạ ngoài đồng gây ô nhiễm nhưng không đốt thì cũng chẳng biết làm gì.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết thêm: Hàng năm, Yên Thành canh tác trên 25.000ha lúa, trước đây sau thu hoạch lúa, rơm rạ được người dân đưa về dùng làm chất đốt, nguồn thức ăn cho trâu bò, sản xuất nấm, ủ phân vi sinh.

img

Nông dân Yên Thành thường đốt từ 3-5 h. Ảnh: Hồ Các

Đặc biệt từ năm 2014 rơm được nhà máy sữa thu mua làm thức ăn cho bò, nông dân có thêm một khoản thu đáng kể. Tuy nhiên hiện tại nhà máy sữa này cũng không thu mua rơm rạ, cộng vào đó nhiều nhà không dùng rơm rạ làm chất đốt như trước đây, khiến rơm rạ bị thừa thãi.

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó giám đốc Sở NNPTNT thừa nhận: Địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều địa phương đang thực hiện đốt rơm rạ sau thu hoạch. Việc đốt rơm rạ hại nhiều hơn lợi như chỉ giải phóng nhanh mặt bằng đồng ruộng để trồng vụ mới, không tốn kém công di chuyển, nhưng mùn tro của rơm rạ chỉ có ít kali không giúp ích cho cây trồng. Việc đốt rơm rạ còn làm tăng các khí độc hại, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Hiện nay, Sở NNPTNT đang chỉ đạo các huyện tập trung tuyên truyền trong nhân dân không đốt rơm rạ và phụ phẩm cây ngô, lạc... Khuyến cáo bà con thực hiện các giải pháp để sử dụng rơm rạ hiệu quả như sau thu hoạch có thể vùi rơm rạ vào đất. Ngoài một số ưu điểm như diệt cỏ dại, côn trùng, nấm bệnh, duy trì nguồn cung cấp đạm cacbon trong đất với lợi ích lâu dài. Ngoài dùng làm thức ăn gia súc, làm nấm, rơm rạ còn có thể dùng để phủ đất trồng rau màu, làm phân…