Dân Việt

Vay lãi cao làm vườn, được bưởi, nhãn… trả nợ thay

Xuân Tuấn 01/06/2018 19:05 GMT+7
Liều vay lãi đến 2,5% mỗi tháng để gây dựng trang trại, ông Lê Danh Phúc (bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã đổ bao mồ hôi công sức xuống vùng đất đồi khô cằn. Thành quả ông nhận được là một trang trại bốn mùa cây trái xanh tươi, nợ đã hết, tiền bạc rủng rỉnh đầy túi.

Sờ đâu cũng ra tiền

Đầu hè, trời Tây Bắc nóng như đổ lửa. Vừa bước tới trang trại của ông Phúc đã cảm nhận được luồng gió mát trong lành từ màu xanh miên man  của cây trái. Ngôi biệt thự bề thế của ông Phúc hiện lên giữa bốn bề mây núi. “Tiền mua đất, làm vườn, dựng nhà đều từ cây bưởi, cây nhãn mà ra đấy…” - ông Phúc không giấu được niềm tự hào khi nói về  sự nghiệp “bới đất lật cỏ” của mình.

img

img

Vườn bưởi da xanh sai trĩu quả của ông Phúc. Ảnh: Xuân Tuấn

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Phúc dần trở thành một kỹ sư trưởng của sơn trại, từ việc bón phân đến làm cỏ, ông đều nắm rất rõ. Chia sẻ bí quyết, ông Phúc cho biết: “Cây bưởi da xanh luôn cần đủ phân, đủ nước. Giống này “phàm ăn”, nó đòi hỏi lượng phân gấp 3 lần bình thường mới phát triển tốt và ít sâu bệnh”.

Chúng tôi đi mỏi chân vẫn chưa hết khu đất gần 10ha mà ông Phúc đã dày công mua gom để trồng cây ăn quả. Đâu đâu, tôi cũng thấy bưởi, nhãn đua nhau treo quả. Không chỉ có đủ các loại nhãn sớm, nhãn chính vụ, nhãn muộn, vườn nhà ông Phúc còn có cả nhãn bán tết. “Cuối năm sờ đâu cũng thấy tiền” - ông Phúc vừa đi vừa khoe. Cạnh hàng nhãn là hàng bưởi da xanh tươi tốt. Ông Phúc khẳng định: “Đây mới là “cú đấm thép” quyết định tới sự thành bại trong làm vườn của tôi”.

Giống bưởi quý tưởng như chỉ trồng được ở đất phương Nam nay đã bám rễ và phát triển tốt ở vùng sơn cước này. Từng gốc bưởi to khỏe, cành phát triển 4 phía, lá xanh mướt. Ông Phúc bảo: “Một cây bưởi da xanh trị giá bằng 2 tấn ngô đấy. Này nhé, mỗi quả có trọng lượng 1,5 - 2kg, tôi bán xô 70.000 đồng/quả, như vậy mỗi cây bưởi cho thu 7 triệu đồng”.

Ông Phúc đã biết đánh thức tiềm năng của đất và bắt “đội quân” cây ăn quả trở thành những cái “máy in tiền” đều đặn. Trước đây, ông Phúc trồng nhiều bưởi Diễn, nay chuyển sang bưởi da xanh. Nói về quyết định này, ông Phúc cho biết, đúng là diện tích trồng cây có múi đang phát triển “nóng” nhưng chỗ khó bán vẫn khó, chỗ dễ tiêu thụ vẫn không có đủ hàng cung cấp ra thị trường.

Như vườn bưởi nhà ông,  năm nào thương lái cũng tranh nhau đến mua mà giá không hề rẻ. Yếu tố quyết định tới sự thành bại của nhà vườn là chất lượng sản phẩm. Bưởi nhà ông Phúc mã đẹp, quả đều, ăn rất ngọt nên có bao nhiêu thương lái cũng đến tận vườn mua hết.

Trong câu chuyện làm vườn của mình, ông Phúc “kết” nhất là bưởi da xanh. Ông chỉ thua các lão nông miền Nam ở chỗ họ được thời tiết ủng hộ và có bưởi trái vụ, còn bưởi ông trồng, chất lượng và mẫu mã không hề kém cạnh. Đặc biệt là những quả bưởi da xanh nặng từ 1,8kg trở lên, ở miền Nam thường bị khô đầu, riêng bưởi trồng ở đất Sơn La càng to càng ngon và ngọt.

Vay lãi cao để làm vườn

"Việc của mình là tập trung chăm sóc vườn nhãn, vườn bưởi cho tốt, chúng sẽ có trách nhiệm trả nợ cho mình”.

Ông Lê Danh Phúc

Mỗi tấc đất, mỗi góc vườn, ông Phúc đều bắt chúng “in” ra tiền. Chính sự quyết liệt và tư duy dám nghĩ, dám làm của ông Phúc đã tạo nên cơ ngơi bề thế. Ông Phúc kể, cách đây hơn chục năm, ở vùng sông Mã này nổi lên phong trào nuôi ba ba gai và trồng nhãn muộn. Thấy mọi người làm thành công, thu được tiền tỷ khiến ông “nóng” máu. Ông cũng muốn bứt khỏi công việc nhàm chán ở Nông trường C5 để chí thú với đất đai.

Mãi đến năm 2012, ông mới mạnh dạn bàn với gia đình mua hơn 1ha đất quanh nhà để làm vườn. Ban đầu ông trồng nhãn, chanh, bưởi Diễn, quyết không để một khoảng đất trống nào. Những ngày đầu, ông hăng hái bao nhiêu thì khi cây bắt đầu bén rễ, ông mới cảm nhận hết khó khăn của sự nghiệp “bới đất lật cỏ”.

Nhìn đám cây con èo uột, thiếu ăn, lòng ông nóng như lửa đốt. Một hôm ông bàn với vợ: “Hay là mình đi vay lãi cao để đầu tư vườn…”. Vợ ông chưa kịp nghe hết câu chuyện của chồng, cốc nước đang uống dở trên tay rơi xuống nền đất, vỡ tan. Sau khi hiểu rõ ý định “điên rồ” của chồng, bà giãy nảy: “Vay lãi đầu tư trồng cây lâu năm có mà lỗ chỏng vó”.

Vợ ông lo cũng có cái lý bởi lẽ, bài học nhãn tiền là nhiều gia đình ở đây đã từng vay nặng lãi, không trả được nợ, cuộc sống trở nên khốn cùng. Nhưng nếu không liều thì mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Sẵn cái mác là công dân sống lâu năm ở đất này lại là công nhân nông trường, nên ông đi hỏi vay lãi để đầu tư vườn, nhiều người vẫn tin. “Đã làm là phải làm lớn”, với suy nghĩ như vậy, ông đã thuyết phục được chủ nợ cho vay 1 tỷ đồng, lãi suất 2,5%.

Với số tiền đó, mỗi tháng ông Phúc phải trả lãi cho chủ nợ 25 triệu đồng. Vợ con nhìn ông với ánh mắt lo sợ. Nhưng ông lại nghĩ khác, có đầu tư mới có thu, cây có phân bón đều đặn, được phòng trừ sâu bệnh tốt, chúng mới cho hoa thơm, quả ngọt.

Ngày ngày, ông dùng số tiền vay được để mua phân bón cây và tiếp tục mở rộng sản xuất. Đất không phụ công người, sau mỗi tháng, mỗi mùa qua đi, vườn cây của ông ngày một xanh tốt. Chúng bắt đầu ra hoa, kết trái. Ông bắt đầu có nguồn thu và trả lãi cho chủ nợ. “Việc của mình là tập trung chăm sóc vườn nhãn, vườn bưởi cho tốt, chúng sẽ có trách nhiệm trả nợ cho mình” - ông Phúc nói.

Tuy mới làm vườn được vài năm, nhưng ông Phúc đã có một quyết định táo bạo, giúp ông vượt qua mọi gian khó. Đó là ông đã cải tạo vườn nhãn ta để ghép nhãn muộn. Trong lúc nợ nần ngập đầu, ông vẫn mạnh dạn bắt xe vào Bến Tre thăm các “anh Hai” trồng bưởi da xanh để học hỏi.

Sau chuyến đi, ông quyết mua mấy chục cây bưởi da xanh về trồng tại đất sông Mã. Giống bưởi quý tưởng như chỉ hợp với thổ nhưỡng, khí hậu miền Nam lại được ông dày công vun trồng. Năm thứ hai, cây bưởi da xanh đã cho quả bói. Ông bổ ăn thử, thấy chất lượng rất ngon, quả to, múi dài, mẫu mã đẹp. Vui hơn là cây phát triển tốt, chứ không như lời người ta đồn đoán là bưởi da xanh khó trồng trên đất đồi.

Từ vài chục cây bưởi da xanh ban đầu, đến nay, ông đã có 700 gốc. Năm 2015, ông thu vụ bưởi, nhãn đầu tiên và đã trả hết nợ. Tiếp đà thành công của niên vụ trước, năm 2017, ông thu trên 2 tỷ đồng. “Có ngày ngồi nhà, tư thương đến cắt bưởi, nhãn, tôi thu cả trăm triệu đồng. Cứ thu suốt gần 1 tháng, tiền về hoa cả mắt. Đây là lần thứ hai tôi được cầm tiền tỷ trong tay, lần đầu là... vay nợ” - ông Phúc khoe.

img