Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng sao lại giảm cung?
Báo cáo của Trung tâm Thống kê- tin học (Bộ NNPTNT) cho thấy: Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 5.2018 ước đạt 335 triệu USD, đưa tổng giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2018 đạt 1,61 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu về tổng đầu lợn trong chuồng hiện vẫn là một con số... bí mật.
Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm 2018 là Achentina, Hoa Kỳ, và Brazil, chiếm thị phần lần lượt là 38,1%, 15,6% và 8,6% tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu. Các thị trường có giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Braxin (gấp gần 9 lần), Trung Quốc (44%), Thái Lan (42,4%) và Hoa Kỳ (28,6%).
Trong đó, nhập khẩu ngô- mặt hàng chính để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nhất. Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 5.2018 đạt 859.000 tấn với giá trị đạt 173 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 3,91 triệu tấn và giá trị đạt 770 triệu USD, tăng 26,3% về khối lượng và tăng 23,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 4 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 69,2% và 15,8% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm 2018 là Ấn Độ (gấp hơn 11 lần) và Achentina (gấp hơn 3 lần). Thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng ngô giảm mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan với mức giảm là 82,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, cũng theo số liệu của đơn vị này cung cấp, số đầu lợn trong 5 tháng qua chỉ giảm 5,4%; còn số đầu gia cầm tăng 6,9%. Như vậy, xét cả về 2 yếu tố trên chưa có số liệu nào rõ ràng về việc giá lợn tăng do nguồn cung giảm. Bời trước đó, trả lời phỏng vấn Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương- quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Việc giá lợn tăng trở lại là do chính sách điều hành giảm cung- tăng cầu trong 15 tháng qua đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Chưa có cơ quan nào đưa ra dược con số chính xác về thống kê đầu lợn.
Rốt cuộc số đầu lợn là bao nhiêu?
PV Báo Dân Việt đã nhiều lần đề cập đến việc thống kê số đầu lợn là bao nhiêu, song lãnh đạo của Cục Chăn nuôi đều cho biết không nắm được con số này, mà phải dựa theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong khi đó, phía Tổng cục Thống kê hiện chỉ thực hiện thống kê lợn theo định kỳ (1 quý/lần). Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, con số này là không sát, bởi có thể đến thời điểm cán bộ thống kê đến thì lợn trong chuồng không còn. Trong khi, phản ánh với Dân Việt, nhiều hộ chăn nuôi cho biết, họ làm nghề chăn nuôi đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ thấy có ai đến thống kê lợn cả.
Được biết, cách đây đúng 1 năm, ngày 9.5.2017, Cục Chăn nuôi đã có công văn hỏa tốcsố 654/CN-KHTC gửi Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình chăn nuôi lợn. Theo đó, Cục Chăn nuôi yêu cầu tổng hợp giá lợn hơi trung bình của các nhóm lợn (tiêu chuẩn, lợn quá lứa, lợn nái loại) xuất bán trên địa bàn. Thống kê nhanh năng lực (công suất) giết mổ tập trung và hệ thống kho lạnh có thể cấp đông thịt lợn trên địa bàn và quy mô (ước số đầu lợn) các chuỗi chăn nuôi lợn trên địa bàn… báo cáo gửi về Cục Chăn nuôi trước ngày 15.5.2017.
Vậy nhưng trong một trả lời mới nhất với PV Dân Việt, lãnh đạo Cục Chăn nuôi là ông Nguyễn Xuân Dương- quyền Cục trưởng vẫn cho biết: Không nắm được chính xác số đầu lợn thực tế là bao nhiêu?. Khi PV hỏi, cứ cho là khó nắm số đầu lợn trong dân do chăn nuôi nhỏ lẻ, vậy ông có nắm được số đầu lợn của các công ty lớn, nhất là C.P không, ông Dương cũng cho biết: Không nắm được.
Trên thực tế, theo một số chuyên gia, cơ quan điều hành chăn nuôi là Cục Chăn nuôi mà không nắm được thực tế số đầu lợn trong chuồng là bao nhiêu, thì không hiểu sẽ căn cứ vào đâu để khuyến cáo và đưa ra các chỉ đạo cho hệ thống chăn nuôi và người nông dân?.
Một lãnh đạo của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng cho biết, cái khó trong điều hành hiện nay là, các doanh nghiệp FDI không chịu cung cấp số liệu về tổng đầu lợn cho cơ quan quản lý, chính điều này dẫn đến khó khăn trong việc phân tích, phán đoán thị trường.
Công văn hỏa tốc của Cục Chăn nuôi gửi Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW yêu cầu báo cáo về thống kê đàn lợn. Tuy nhiên, đã qua hơn 1 năm đến nay Cục Chăn nuôi vẫn chưa có... số liệu về đàn lợn.
Chỉ sợ "cá lớn nuốt cá bé"
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, ở thời điểm hiện nay, chỉ có các doanh nghiệp FDI với quá nhiều những lợi thế mới có thể chiếm lĩnh được thị trường, thậm chí là điều tiết giá. "Diễn biến giá hiện nay là một số công ty lớn chi phối, họ có một lượng hàng lớn và có cách tiêu thụ của họ. Họ là người có khả năng làm được cái giá và làm được cái thị trường như thế này, đã có những cuộc “nhảy múa” về giá cả heo như giai đoạn vừa qua"- ông Đoán cho biết.
Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Bộ, chủ trang trại heo ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, việc doanh nghiệp chăn nuôi lớn dẫn dắt thị trường là điều có thể hiểu được. Vấn đề là họ tham gia dẫn dắt thị trường một cách tích cực hay theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé.
"Bởi vì họ là người dẫn dắt thị trường, chứ người nông dân hay trang trại nhỏ thì không thể dẫn dắt thị trường được. Ggiá heo lên là dẫn dắt thị trường của các công ty lớn đấy chứ. Đấy là cái tích cực của họ, nếu họ biết điều tiết cung cầu thì trang trại cũng cảm thấy có lợi, họ cũng có lợi. Nhưng nếu họ tính theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, dùng những chiến thuật, dùng thời cơ để áp đặt, xóa sổ những trang trại nhỏ thì đó là một cái tai hại"- ông Bộ nói.
Theo ông Bộ, dĩ nhiên, không đủ cơ sở để khẳng định rằng có sự lũng đoạn hay “làm giá” của các doanh nghiệp FDI, nhưng nếu phân tích các diễn biến thực tế, thì có thể thấy doanh nghiệp FDI đang tận dụng lợi thế của mình để chiếm lĩnh thị phần chăn nuôi trong nước – nơi mà người chăn nuôi truyền thống đã và đang bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi.
C.P "bơm" gấp đôi số lợn ra thị trường Theo một thông tin mà Dân Việt nắm được, giá bán lợn bình quân của Công ty C.P tại thị trường miền Bắc hiện đạt 49.000 đồng/kg lợn hơi. Từ lúc lợn tăng giá, công ty này đã tăng công suất bán gấp đôi lợn ra thị trường, từ 4.000 con lên 8.000 con/ngày, tương đương 80.000 tấn thịt lợn hơi mỗi ngày (chỉ tính riêng thị trường miền Bắc). Hiện ở một số địa phương, đã xảy ra tình trạng thiếu lợn cục bộ và "tranh mua, tranh bán" lợn giữa các thương lái. |