Dân Việt

Thực hư việc Taliban phải đàm phán "xin tha" tại Afghanistan

Tiểu Đào 01/06/2018 15:30 GMT+7
Lực lượng Taliban đã phải chọn cách đàm phán sau khi chịu đựng nhiều đòn đau từ quân đội Mỹ?

img

Dù có nhiều chiến binh đã đầu hàng chính phủ, lực lượng Taliban trong những năm gần đây vẫn phát triển mạnh mẽ. Ảnh: EPA.

Vào ngày hôm qua (31.5), Tướng John Nicholson - chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan – cho biết Taliban đã bí mật liên hệ với chính phủ Afghanistan để tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Dù không công bố chi tiết thành phần tham dự cuộc họp, Tướng Nicholson tiết lộ Taliban đã cử một số chỉ huy trung cấp và cao cấp tới gặp các quan chức chính phủ.

Được biết, thông tin được quân đội Mỹ đưa ra trong bối cảnh lực lượng Taliban đang liên tiếp chịu nhiều thiệt hại từ chiến dịch tấn công truy quét của quân đội Afghanistan và lực lượng Mỹ. Điển hình là cuộc tấn công bằng hệ thống pháo phản lực HIMARS diễn ra vào hôm 24.5 tại tỉnh Helmand, khiến ít nhất 50 chỉ huy cấp cao của Taliban thiệt mạng.

Tuy nhiên, về phía mình, Taliban đã phủ nhận lời của ông Nicholson, đồng thời khẳng định rằng nhóm không muốn “lãng phía thời gian cho việc đàm phán” với chính phủ Afghanistan trong khi “lực lượng ngoại quốc chiếm đóng (ý chỉ lực lượng Mỹ - PV) vẫn còn đang hiện diện”.

Theo phóng viên Dawood của BBC, từ trước đến nay, Taliban luôn sẵn sàng đối thoại bởi trái ngược việc sử dụng vũ lực, đàm phán là cách “hợp pháp” để nhóm này đạt được mục tiêu chính là đẩy quân đội Mỹ ra khỏi đất nước.

Thế nhưng, Taliban luôn nhấn mạnh việc chỉ đàm phán với Mỹ do nhóm phiến quân cho rằng chính phủ Afghanistan yếu đuối, bị chia rẽ, không thể tự đưa ra quyết định lớn và Washington mới là tay chơi chính trong cuộc xung đột kéo dài suốt chục năm này.

Trong khi đó, Mỹ lại duy trì quan điểm Taliban phải đối thoại với chính phủ Afghanistan. Lý do mà Washington đưa ra là cuộc chiến ở Afghanistan là một xung đột nội bộ và nước này không thể thay mặt chính phủ đang cầm quyền ở Kabul để đàm phán trực tiếp với nhóm phiến quân.

Mặt khác, chính Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng đã chủ động đề nghị đối thoại với Taliban, hứa rằng nếu chấp nhận ngừng bắn và công nhận Hiến pháp Afghanistan, nhóm này sẽ được công nhận là một đảng chính trị chính thống.

Hiện tại, theo một báo cáo mới được BBC công bố vào hồi tháng Một, từ sau khi lực lượng quân đội nước ngoài rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014, phiến quân Taliban đang kiểm soát một diện tích lãnh thổ lớn nhất từ trước đến nay. Cụ thể, ước tính có tới 15 triệu người (một nửa dân số Afghanistan) đang sống tại các khu vực do Taliban kiểm soát hoặc có sự hiện diện quân sự của Taliban.