Dân Việt

Mỹ mời Việt Nam tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới

An Hồng 01/06/2018 16:30 GMT+7
Mỹ lần đầu tiên mời Việt Nam tham gia RIMPAC, cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất trên biển được tổ chức hai năm một lần.

img

Lính thủy quân lục chiến hộ tống tàu đổ bộ tại bãi biển Pyramid Rock, Hawaii, Mỹ vào ngày 30.7 trong khuôn khổ cuộc tập trận RIMPAC 2016. Ảnh: Stars & Stripes.

Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2018) diễn ra ngày 27.6 - 2.8 xung quanh quần đảo Hawaii và phía nam bang California của Mỹ với sự tham gia của 26 quốc gia, 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm, 18 đơn vị bộ binh và hơn 200 máy bay cùng 25.000 binh sĩ, Stars & Stripes dẫn Hải quân Mỹ hôm 30.5 cho hay. 

Trong số các nước được mời tham gia có Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel. Trước đó, Việt Nam từng được mời làm quan sát viên tại RIMPAC 2012. 

Mỹ hồi tuần trước hủy lời mời Trung Quốc mặc dù nước này đã cử nhiều tàu và binh sĩ tham gia cuộc tập trận năm 2014 và 2016. Trung tá Hải quân Christopher Logan, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết động thái này là bước đi đầu tiên nhằm phản đối các hành động gần đây của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Cụ thể, Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng hạ tầng cơ sở tại khu vực này, bao gồm một số công trình chỉ dùng vào mục đích quân sự. 

"Cách hành xử của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC", Trung tá Logan phát biểu. Ông cũng cho biết Mỹ có đầy đủ bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không và các máy phá sóng điện tử tới quần đảo Trường Sa. 

RIMPAC lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1971. Mục đích tập trận là duy trì các mối quan hệ hợp tác hải quân giữa các quốc gia nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển và an ninh liên đại dương.

Chủ đề của RIMPAC 2018 là "Khả năng, Thích ứng, Đối tác". Các lực lượng tham gia sẽ thể hiện năng lực và sự linh hoạt của hải quân, bao gồm cứu trợ thiên tai, kiểm soát trên biển và chiến đấu đa dạng. Chương trình huấn luyện thực tế có những nội dung như đổ bộ, bắn súng, phóng tên lửa, chống tàu ngầm, phòng không và chống cướp biển cũng như xử lý bom mìn và cứu hộ.