Dân Việt

Giá heo hơi hôm nay 3/6: Giá bắt đầu chững lại, cửa khẩu "siết" heo Trung Quốc

Thiên Hương 03/06/2018 05:50 GMT+7
Cập nhật giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 3/6: Theo ghi nhận, giá heo hơi hôm nay không đổi so với 2 ngày trước song vẫn đạt trung bình từ 47.000 - 50.000 đồng/kg. Giá heo hơi cao như hiện nay được cho là thời điểm lý tưởng để tái đàn, tăng đàn, nhưng thực tế, đây là cơ hội của doanh nghiệp, chủ trang trại lớn vì người chăn nuôi nhỏ lẻ đã "cạn" vốn để đầu tư.

Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 3/6: Ít biến động, giá vẫn đang có lợi

Tại các tỉnh miền Bắc như Ninh Bình, Bắc Giang, Nam Định, giá heo hơi hôm nay vẫn duy trì quanh mức 51.000 - 52.000 đồng/kg đối với heo siêu đẹp; Lào Cai, Thái Bình dao động quanh mức 51.000 đồng/kg; còn lại giá lợn hơi trong khu vực đang ở ngưỡng 50.000 đồng/kg như Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ, Hưng Yên...

Tại Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi giá lợn hơi hiện đang ở mức 49.000 đ/kg. Bình Định, Đắk Lắk, Khánh Hòa đến Bình Thuận, giá thấp hơn, nằm trong khoảng 44.000 - 47.000 đồng/kg.

img

Giá heo hơi hôm nay (lợn hơi) ngày 3/6 vẫn duy trì quanh mức 47.000 - 50.000 đồng/kg. Ảnh: Hải Đăng

Theo các thương lái, trước đây giá heo hơi của các doanh nghiệp, tập đoàn luôn cao hơn một ít so với heo mua ngoài dân. Tuy nhiên, trong giai đoạn heo sốt giá hiện nay, giá heo hơi thường tăng ở khu vực chăn nuôi tư nhân rồi các doanh nghiệp lớn mới điều chỉnh theo.

Cụ thể, những ngày cuối tháng 5 thị trường xôn xao vì giá heo hơi tăng lên mức mới từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, theo đó các công ty cũng điều chỉnh giá heo tăng lên 48.000 - 49.000 đồng/kg nhưng thấp hơn giá thị trường bên ngoài. Thực tế, không mấy trại chăn nuôi nhỏ lẻ bán được với giá heo hơi trên 50.000 đồng/kg. 

Ông Phạm Văn Đạo, chủ trang trại nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Mức giá 52.000 đồng/kg chỉ là tin đồn vì tôi đầu tư nuôi heo trại lạnh, heo đạt chất lượng tốt, nhưng giá heo bán ra chỉ từ 46.000 - 48.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá chuẩn của các công ty lớn. Tuy với giá này người chăn nuôi đã đạt lợi nhuận tốt, nhưng ở đây chưa trại nào tăng đàn, tái đàn vì mỗi lứa heo thịt phải nuôi ít nhất vài tháng mới cho thu hoạch, lúc đó thị trường heo hơi biến động ra sao rất khó biết”.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 5/2018, giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng mạnh trên địa bàn cả nước, và đến ngày 24/5 đã tăng khoảng 35-36% so với giá tháng 1/2018, và tăng tới hơn 200% so với cùng kỳ năm 2017, dao động phổ biến từ 44.000 - 48.000 đồng/kg.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, giá lợn hơi tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung chưa phục hồi sau khi các hộ chăn nuôi giảm đàn và tạm dừng nuôi lợn trong đợt khủng hoảng giá năm 2017. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng lợn cả nước hiện tại ước tính giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo khuyến cáo của Cục cũng như một số chuyên gia nông nghiệp, các hộ chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt vào lúc này bởi giá mua lợn giống hiện nay khá cao (dao động từ 900.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/con), trong khi dự báo giá lợn hơi có thể giảm trở lại trong quý 3/2018.

Bên cạnh đó, tình hình thiếu hụt nguồn cung như hiện nay cũng không quá lo ngại bởi ngoài nguồn cung từ các hộ chăn nuôi, còn có nguồn cung dồi dào từ các công ty chăn nuôi lớn có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường.

img

Tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam năm 2018 dự báo sẽ đạt 2,78 triệu tấn thịt xẻ. Ảnh minh hoạ

Theo đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia sản xuất thịt lợn đứng thứ 5 thế giới, chiếm tỷ trọng 2,47% tổng sản lượng thịt toàn cầu. Tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam năm 2018 dự báo sẽ đạt 2,78 triệu tấn thịt xẻ, tăng 74 nghìn tấn, tương đương tăng 2,74% so với mức 2,703 triệu tấn của năm 2017.

Bên cạnh đó, nguồn cung thịt gà vẫn khá dồi dào so với nhu cầu thu mua của thương lái khiến giá gà thịt công nghiệp tại trại ở các tỉnh phía Nam đang giảm so với trước. Tại khu vực ĐBSCL, giá gà thịt công nghiệp lông trắng tại trại đạt bình quân 24.000 đồng/kg, giảm 11,9% so với tháng trước, và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, loại gà này có giá bình quân là 26.000 đồng/kg, giảm 2,8% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017. Giá gà thịt công nghiệp lông màu bình quân tại trại ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cũng giảm nhẹ 0,6% và 1,3% so với tháng trước, xuống còn 38.300 đồng/kg và 37.300 đồng/kg.

Chưa thấy lợn Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 5 diễn ra ngày 30/5, các cơ quan chức năng khẳng định, đến nay, chưa ghi nhận việc nhập khẩu lợn từ Trung Quốc về Việt Nam.

img

Đến nay cơ quan chức năng chưa ghi nhận thấy việc nhập khẩu lợn từ Trung Quốc về Việt Nam. Ảnh: T.L

Những ngày qua, giá lợn hơi trong nước liên tục tăng cao, có nơi lên tới hơn 50.000 đồng/kg. Nhiều người lo ngại rằng điều này sẽ tạo cơ hội cho lợn Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam vì giá thịt lợn hơi ở thị trường này hiện chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. Ngay cả Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng lo lắng lợn Trung Quốc có thể tuồn sang nước ta qua đường tiểu ngạch, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát.

Trả lời về lo ngại này, bà Nguyễn Thị Mai Linh – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Cục Xuất nhập khẩu đã trao đổi với một số địa phương vùng biên giới nhưng đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào cho thấy thịt lợn Trung Quốc có dấu hiệu “tuồn” vào Việt Nam.

Ông Phan Sinh – Tổng cục Hải quan chia sẻ thêm: Có tình trạng người dân một số địa phương biên giới kinh doanh, trao đổi hàng hóa theo hình thức “cắp nách”. Tức là bà con ở các địa phương giáp biên giới 2 nước mua bán thịt lợn với nhau để sử dụng cho bữa ăn hàng ngày. Còn riêng với hoạt động nhập khẩu thịt lợn hàng hóa về Việt Nam thì chưa ghi nhận.

“Nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam không dễ vì cả chính ngạch và tiểu ngạch đều đòi hỏi có giấy kiểm dịch và tờ khai hải quan. Cho đến nay, các cơ quan hải quan chưa ghi nhận việc thịt lợn Trung Quốc được nhập vào Việt Nam” – ông Phan Sinh cho hay.

Chưa kể, theo các chuyên gia, với mức giá hiện nay thì lợn Trung Quốc khó vào vì lợi nhuận chưa hấp dẫn. Bởi chỉ riêng chi phí vận chuyển thịt lợn từ biên giới vào khu vực phía Nam cũng đã lên đến 7.000 đồng/kg, chưa kể các loại phí rủi ro khác. Hiện nay, đại diện của Cục Chăn nuôi đang liên tục khảo sát tại các tỉnh biên giới. Nếu ghi nhận tình trạng nhập khẩu thịt lợn ồ ạt từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ báo cáo và tìm biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chỉ ra: Người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện đang đứng ngoài cuộc chơi vì dù heo hơi sốt giá họ cũng không còn heo để bán; có muốn tái đàn cũng không còn vốn để đầu tư. Không chỉ thị trường heo thịt, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng đang làm chủ về nguồn cung heo giống hậu bị và heo giống thương phẩm vì ngay cả các trại giống lớn của tư nhân cũng không còn con giống để xuất bán.

Đặc biệt, người chăn nuôi không nên nhìn vào mức giá hiện nay để vội vã tái đàn mà phải tính toán kỹ theo hướng chăn nuôi bền vững để giảm giá thành sản xuất, tham gia vào chuỗi liên kết... Vì chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sẽ không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp lớn.