Bồi hoàn tiền tỷ
Hàng loạt phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines đã và đang nộp đơn xin nghỉ việc. Thông tin đến Dân Việt, phi công cho rằng vướng mắc lớn nhất là khoản bồi hoàn với hãng để có thể chuyển sang làm việc ở hãng hàng không khác. Khoản bồi hoàn này là bao nhiêu và được tính toán như thế nào?
Theo thông tin do phi công cung cấp cho Dân Việt, có người đã làm việc trên 10 năm nhưng khi nộp đơn xin nghỉ việc vẫn phải bồi hoàn khoản phí lên đến vài trăm triệu đồng.
Ví dụ như trường hợp của phi công N.H.L đã làm việc cho VNA được 15 năm. Theo các quy định được VNA viện dẫn, sau 15 năm làm việc, phi công này phải bồi hoàn các loại chi phí sau: chi phí đào tạo phi công cơ bản (hơn 528 triệu đồng); chi phí đào tạo chuyển loại lái phụ A320 (92,5 triệu đồng); chi phí đào tạo chuyển loại nâng cấp lái chính A320 (đã khấu hao hết); chi phí đào tạo nâng cấp giáo viên A320 (đã khấu hao hết).
Tổng chi phí đào tạo mà phi công N.H.L còn phải trả cho VNA trước khi nghỉ việc là hơn 621 triệu đồng.
Nhiều phi công của VNA hiện đang nộp đơn xin nghỉ việc. Ảnh minh họa.
Một ví dụ khác, phi công V.T.D có quãng thời gian làm việc chỉ bằng phân nửa so với trường hợp trên, theo tính toán sẽ phải bồi hoàn khoản phí hơn 1,9 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VNA gửi Cục Hàng không Việt Nam vào đầu tháng 5, có 2 phi công đã chấm dứt hợp đồng, 7 người mới nộp đơn và 19 trường hợp đang giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, hầu hết phi công đều nộp đơn vào đầu năm 2018.
Đại diện tập thể phi công muốn nghỉ việc cho rằng Thông tư 41/2015/TT-BGTVT và Thông tư 21/2017/TT-BGTVT hiện đang là “rào cản” khi phi công muốn nghỉ việc, chuyển sang hãng khác.
Cụ thể, Thông tư 42 yêu cầu phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có). Trong khi Luật lao động quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày. Bên cạnh đó, phi công cho rằng hãng yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo nhưng chưa đưa ra được hóa đơn hợp lệ.
Bộ GTVT nói gì?
Nội dung kiến nghị trên cũng đã được phi công VNA gửi đến Văn phòng Chính phủ. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đến Bộ GTVT xem xét, giải quyết theo quy định.
Chiều 2.6, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng điều 37 Luật Lao động quy định, người lao động hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Như vậy, Luật lao động chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu, chứ không quy định mức độ tối đa số ngày.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng nêu Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng năm 2006, đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định chế độ lao động đặc thù với các nhân viên hàng không. Căn cứ vào đó, Bộ trưởng xây dựng Thông tư 41/2015, nay được thay thế bằng Thông tư 21/2017.
“Vì hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng các nhân viên phục vụ như tôi nói, là bậc cao và tạo điều kiện sử dụng nguồn nhân lực, để không biến động lớn trong các công ty phụ trách lĩnh vực hàng không”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc VNA cho biết: “Hãng luôn tôn trọng quyết định của phi công. Họ sẽ được chấp thuận thôi việc khi hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ theo Thông tư 21. Vì hàng không là ngành đặc thù nên quy định báo trước 120 ngày để hãng có thể tìm và sắp xếp nguồn nhân lực thay thế. Phi công không giống các nghề khác, cứ nghỉ là có người bù đắp vào ngay mà phải đòi hỏi trình độ và tay nghề cao. Nhiều đối tượng huấn luyện thời gian dài nhưng vẫn không đạt”.