Dân Việt

Dạy trúng cái thiếu, cái yếu và gắn liền với hỗ trợ nông dân

Thu Hà 04/06/2018 19:45 GMT+7
Với phương châm “dạy trúng cái thiếu, cái yếu và gắn liền với hỗ trợ nông dân”, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hàng chục năm trồng rau nhưng phải đến khi được tham gia khóa học kỹ thuật trồng rau an toàn do Hội Nông dân (ND) tổ chức, chị Ngô Thị Sông ở thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) mới nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo bài bản về kỹ thuật trồng rau. Chị Sông cho biết, trước đây, khi chưa qua đào tạo, chị cứ theo thói quen, kinh nghiệm sẽ bón 5kg phân hoặc gieo 4kg giống nhưng giờ cũng trên đơn vị diện tích ấy chỉ gieo, bón ít hơn theo đúng kỹ thuật nên không chỉ giảm chi phí mà còn cho hiệu quả cây trồng cao hơn so với trước.

img

Sau học nghề mây tre đan do Hội ND tổ chức, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có thu nhập ổn định. Ảnh: Thu Hà

Vốn là người khuyết tật, không thể gánh vác được việc đồng áng hay những công việc chân tay nặng nhọc khác, nhưng nhiều năm nay anh Nguyễn Thế Tước, xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) vẫn có việc làm và thu nhập ổn định 2 triệu đồng/tháng sau khi tham gia lớp học nghề đan lát thủ công. Anh Tước phấn khởi nói: “Từ tháng 9.2013, được tham gia lớp học đan lát thủ công do Hội ND tổ chức và được Hội ND hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm sau học nghề, nên gia đình tôi đã có thu nhập ổn định từ nghề này, cuộc sống cũng đỡ chật vật hơn trước”.

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND, thuộc Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các cấp Hội tổ chức 86 lớp đào tạo nghề cho 2.604 lao động nông thôn. Trong đó, riêng năm 2017, trung tâm đã tổ chức 6 lớp đào tạo nghề cho 186 lao động nông thôn với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường như: Kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật trồng rau an toàn, chẩn đoán nhanh bệnh thủy sản… Sau khi học nghề, hội viên, ND đã thay đổi được nhận thức trong quá trình sản xuất và trên 80% học viên có việc làm.

Ông Đào Trọng Đại – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Bắc Ninh cho biết, để có kết quả trên, trung tâm đã triển khai rất chặt chẽ các khâu, từ khảo sát nắm bắt nhu cầu người học đến việc gắn hiệu quả của chương trình vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Các lớp đào tạo đều tuyển sinh được đúng đối tượng; Trung tâm cũng cử cán bộ trực tiếp theo sát, giám sát chất lượng đào tạo các lớp nghề.

Ngoài ra, trung tâm đã phối hợp tổ chức 130 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón NPK, silic cho hơn 9.000 lượt hội viên, ND; cung cứng trên 1000 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm.