Anh Trần Kiên Cường (46 tuổi) ở xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông hiện đang sở hữu trại gà Đông Tảo lớn nhất tỉnh Phú Thọ khi mỗi năm cung cấp ra thị trường lên đến vạn con gà thương phẩm cùng gần 2 triệu con gà giống.
Anh Trần Kiên Cường giới thiệu trang trại 5.000 con gà Đông Tảo bố mẹ. Ảnh Thu Hường
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trang trại nuôi ấp gà Đông Tảo lai, anh Cường cho biết, anh học chuyên ngành thú ý tại trường ĐH Nông nghiệp I. Ra trường anh đi làm bác sỹ thú ý đúng với ngành học của mình, sau nhiều năm bôn ba khắp nơi, tìm kiếm thị trường thuốc thú y trên toàn miền Bắc.
Năm 2012, anh bén duyên với vùng đất trung du miền núi, bắt đầu khởi nghiệp từ mở hiệu thuốc thú y tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng phân phối thuốc thú y cho khắp các tỉnh thành phía Bắc.
Sau nhiều năm đi các tỉnh thành phân phối thuốc thú y anh nhận thấy gà Đông Tảo đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn các giống gà truyền thống bà con thường nuôi.
Năm 2015, anh lên mua lại khu đất đồi thuộc thôn 7 xã Cổ Tiết của một người dân để đầu tư mô lập mô hình chăn nuôi. Để có kiến thức nuôi gà Đông Tảo, anh phải thường xuyên lên mạng cũng như học hỏi từ những người thân quen về kỹ thuật nuôi.
Hiện anh Cường có 3 lò ấp trứng, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 2 triệu con giống. Ảnh Thu Hường
Bước đâu khởi nghiệp, anh mua 1 vạn con giống về nuôi lọc đến khi lớn thì lọc ra 5000 con bố mẹ, số còn lại là gà loại anh nuôi xuất thịt.
Thời điểm đầu khi xuất con giống ra thị trường vô cùng khó khăn, bởi bà con chưa biết đến giống gà Đông Tảo, cũng như ngại thay đổi phương thức chăn nuôi.
“Thời đấy, khách đặt 100 - 200 con giống cũng giao, về sau, khi người dân bắt về nuôi thấy hiệu quả kinh tế lớn hơn gà ri, gà mía mới đặt từ 1000 – 4000 con. Đến nay, nhiều đợt khách đặt mà không đủ con giống để giao phải gom làm 2 đợt”, anh Cường cho biết.
Theo anh Cường, đối với giống gà này khó khăn nhất là vào thời điểm thay giống, để tìm được 1 vạn con gà giống không phải chuyện đơn giản.
Theo anh Cường, cách nuôi gà Đông Tảo cũng không khác với cách nuôi các giống gà khác. Ảnh Thu Hường
Cách nuôi gà đông tảo đa phần cũng giống những giống gà khác, thức ăn chủ yếu dùng cám gạo, bột ngô, bổ sung vitamin và khoáng chất.
Xuất phát từ nghề thuốc thú ý, anh Cường cho hay, bản thân anh không gặp quá nhiều khó khăn trong cách chăm sóc, phòng bệnh cho con giống. Tuy nhiên, gà Đông Tảo lại có sức chịu đựng khá kém nên người nuôi phải thường xuyên chú ý đến các triệu chứng như xổ mũi, có nước bọt ở mắt, lông xù… để cách ly và chữa trị, tránh lây lan sang những con khác. Vì vậy trong quá trình nuôi cần phải vệ sinh chuồng trại thật kỹ, không nhốt chung gà các lứa tuổi với nhau.
Theo anh Cường, bà con xung quanh thường xuyên bắt con giống của anh về nuôi, mỗi lần bắt đều từ 1000 con trở lên. Tính thời điểm gà thịt rẻ nhất 1000 con gà đông tảo bà con cũng thu về 30 – 50 triệu đồng.
Gà Đông Tảo khá kén thời tiết và dễ dịch bệnh nên khi nuôi, mọi người cần phải tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt.
Hiện mỗi năm với mô hình nuôi ấp gà Đông Tảo, anh Cường xuất được 2 triệu con giống, mỗi con có giá 16.000 đồng. Tính bình quân thu nhập mô hình này cũng mang lại cho anh 700 – 1 tỷ đồng mỗi năm.
Cũng theo anh Cường, thời gian tới anh sẽ mở rộng mô hình nuôi ấp gà Đông Tảo bằng cách kết hợp với một vài hộ dân xung quanh để tăng số lượng con giống đáp ứng nhu cầu của thị trường.