Các nhà khoa học trồng thành công lúa trên sa mạc ở Dubai.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), một nhóm nhà khoa học Trung Quốc, trong đó có “cha đẻ của giống lúa lai” Yuan Longping, đã thử nghiệm trồng lúa trên nước mặn ở quê nhà và sau đó đem công nghệ này tới Trung Đông.
Công nghệ này được cho là rất phù hợp ở Trung Đông, nơi có lượng nước sạch hết sức hạn chế để sử dụng cho cây trồng.
Mới đây nhất, các nhà khoa học Trung Quốc đã thu hoạch lúa trồng tại sa mạc Dubai kể từ hồi tháng 1. Thành phẩm thu được vượt qua cả mong đợi của các nhà khoa học, theo Tân Hoa Xã.
Mỗi ha đất trồng thu về tới 7,5 tấn thóc, so với mức trung bình trên thế giới vào khoảng 3 tấn. Các nhà khoa học dự kiến tạo một nông trại rộng 100 ha vào cuối năm 2018 để thử nghiệm với quy mô lớn hơn.
Nếu thành công, thử nghiệm tiếp tục được mở rộng và khắc phục hạn chế nếu có trong năm 2020.
Mục tiêu của dự án là biến 10% diện tích Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thành cánh đồng lúa, tương đương 83.600km2. Dự án này là cái bắt tay giữa Trung tâm nghiên cứu lúa trồng trên nước mặn tại Trung Quốc và Văn phòng tư nhân của tỉ phú Saeed Bin Ahmed Al Maktoum, thành viên gia tộc kiểm soát Dubai.
Trung Quốc hợp tác cùng UAE biến 10% vùng sa mạc cằn cỗi ở quốc gia này thành cánh đồng lúa.
Hai bên cũng ký kết thỏa thuận quảng bá gạo trồng bằng nước mặn tại khu vực Ả Rập với mục tiêu giảm nguy cơ thiếu lương thực trong tương lai.
Trong khi các nhà khoa học ở một số nước như Úc, Israel tìm cách khử nước mặn thành nước ngọt để phục vụ nông nghiệp, Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua đã bỏ công sức phát triển loại lúa có thể chịu được nước mặn.
Công nghệ này cũng được Trung Quốc sử dụng cho việc trồng lúa ở quê nhà. Nước này có tới 1 triệu km2, tương đương diện tích Ethiopa, vốn rất khó trồng lúa vì độ mặn cao trong đất.
Nếu 1/10 khu vực này được bao phủ bởi giống lúa đặc biệt, sản lượng gạo của Trung Quốc sẽ tăng tới 20%, sản xuất thêm 50 triệu tấn lương thực cho 200 triệu người.
Sa mạc Sahara sẽ trở thành nơi trồng rau xanh và cung cấp năng lượng sạch cho con người trong tương lai.