Dân Việt

Hàng loạt đại biểu "quay" Bộ trưởng Trần Hồng Hà về ô nhiễm môi trường

Minh Huệ 04/06/2018 16:40 GMT+7
Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 15 giờ chiều nay 4.6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên); Lê Công Đỉnh (Long An); Lê Công Nhường (Bình Định) đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL; xử lý tình trạng rác thải cho các địa phương...

Trên 95% nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các lưu vực sông là một tình trạng cần khắc phục. Về phía Bộ, đã cố gắng kiểm soát chặt các nguồn thải. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa thu gom được nước thải, nước thải lẫn với nước mưa, khoảng trên 95% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, vấn đề nước thải ở các làng nghề, các cụm công nghiệp... cũng đang rất nghiêm trọng, chưa được xử lý hiệu quả do năng lực hạn chế.  

img

Quang cảnh phiên họp chiều 4/6. Ảnh: Quốc Khánh

Về giải pháp và trách nhiệm, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước hết các địa phương phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý nguồn thải tại địa phương mình; đồng thời phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội; từng bước để người dân tham gia vào lĩnh vực này...

Đối với phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện đã có đầy đủ cơ sở khoa học đánh giá nguyên nhân, trong đó có khoảng 60% lượng phù sa bị giữ lại ở các nước thượng nguồn, chúng ta đang đấu tranh để đưa về hạ lưu nhưng chưa có kết quả; tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, cát tặc lộng hành cũng làm xói lở bờ sông ngày càng trầm trọng...

Từ những nguyên nhân trên, cần có giải pháp quản lý chặt việc quản lý khai thác cát, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, quận huyện, phường xã; đồng thời có quy hoạch tổng thể giữa các công trình thủy lợi tác động đến dòng chảy; tiến hành quy hoạch lại các khu dân cư để tránh những ảnh hưởng tiêu cực bởi quy luật dòng chảy (bên lở, bên bồi); xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu...

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) về vấn đề ô nhiễm đất và nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: "Đến nay chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đất và nước, trong đó rác thải đang là vấn đề rất bức xúc. Với tư cách Bộ trưởng, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm vấn đề này, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có trách nhiệm của Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng".

img

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 4/6. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hiện chúng tôi đã xây dựng quy chế phối hợp với các bộ ngành liên quan, trong đó chú trọng nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là công nghệ xử lý rác. Hiện Bộ KHCN, Bộ TN&MT cũng đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng mô hình sản xuất thiết bị xử lý rác, qua đó chuyển rác thành điện, biến chất thải từ rác thành phân hữu cơ. Dự án này đang được kiểm chứng, đánh giá và tiến tới công bố công nghệ này để áp dụng.

"Tuy nhiên có vấn đề quan trọng đó là phải làm sao tạo được phong trào toàn dân tham gia xử lý rác, phân loại rác  vô cơ, hữu cơ ngay từ tại nguồn để xử lý rác hiệu quả; bên cạnh đó, các bãi rác cũ chúng tôi cũng sẽ xem xét để có công nghệ xử lý hiệu quả" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. 

9/10 ngày người dân Hà Nội phải sống trong ô nhiễm

ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) tiếp tục "quay" Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề ô nhiễm bụi rất nghiêm trọng tại các thành phố lớn. Theo số liệu thì cứ 10 ngày, người dân Hà Nội mất tới 9 ngày hít thở không khí có lượng bụi, khí thải quá mức cho phép. Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: Số liệu công bố này tôi không đồng tình bởi là số liệu từ 1 trạm quan trắc mang tính cục bộ, các số liệu khác chưa phản ánh nghiêm trọng như vậy, tuy nhiên ở những vùng mật độ giao thông lớn, khu vực đang xây dựng thì ô nhiễm không khí lớn hơn. Chúng tôi đang nghiên cứu, quan trắc trên diện rộng để có số liệu chính thức công bố tới người dân chứ không thể chỉ dựa vào 1 báo cáo cục bộ này.

Tuy nhiên ĐB Trí vẫn không đồng tình với phần trả lời này mà tiếp tục đăng ký trao đổi lại. ĐB Trí cho rằng vấn đề ô nhiễm bụi ở các thành phố lớn thực sự nghiêm trọng chứ không phải là không nghiêm trọng và Bộ cần có phải giáp căn cơ, hiệu quả hơn nữa. 

Biết rõ về 3 nhà máy hạt nhân của Trung Quốc

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) hỏi: Hiện nay Trung Quốc đang vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân, đặt khá gần Việt Nam từ 50 đến 200 km, nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ đối với Việt Nam là rất lớn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phòng ngừa, ứng phóng như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Về 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc gần biên giới Việt Nam, vấn đề này chúng tôi đã biết rất rõ. Chính phủ đã giao Bộ KH&CN là cơ quan quản lý về an toàn hạt nhân xây dựng các trạm để theo dõi chính xác. Chúng tôi biết Bộ KH&CN đã làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn hoạt động tại đây.

Không chỉ Bộ Tài nguyên, mới đây Hà Nội đã đưa ra kế hoạch rất cụ thể về việc phòng tránh ô nhiễm hạt nhân nếu nguy cơ xảy ra.

Đối với việc xây dựng nhà máy hạt nhân ở gần biên giới Việt Nam, không chỉ chúng ta quan tâm mà cộng đồng thế giới, các tổ chức quốc tế cũng rất quan tâm nghiên cứu và có giải pháp phối hợp quốc tế trong việc giám sát, nên chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề này.

Hiện đã có 66 vị Đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà dự kiến kéo dài đến gần hết buổi sáng mai 5/6. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng sẽ làm rõ một số nội dung như: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn; Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long...

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).