Di tích cấp Quốc gia, danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè và Khó Chua La, huyện Tủa Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 624/QĐ - BVHTTDL ngày 10.3.2014 và Quyết định số 4252/QĐ - BVHTTDL tháng 12.2015.
Sau khi được công nhận được gần 1 năm, UBND tỉnh Điện Biên đã có Quyết định 1073 ngày 22.8.2016 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vào và các công trình phụ trợ thuộc di tích cấp Quốc gia.
Tổng mức đầu tư công trình xây dựng đường vào và các công trình phụ trợ thuộc di tích cấp Quốc Gia, danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè và hang Khó Chua La là 10 tỷ đồng.
UBND huyện Tủa Chùa là chủ đầu tư, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Ánh thi công. Công trình được khởi công xây dựng tháng 7.2017. Tuy nhiên, đến tháng 11.2017, công trình phải tạm dừng thi công bởi cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên phát hiện "chưa xin ý kiến Bộ VHTT&DL".
Hiện công trình hang Khó Chua La đã thi công đạt trên 60% khối lượng được phê duyệt. Hệ thống đường vào hang đã làm, nhà chờ khách đã xây dựng, đường lên hang đã thi công xong. Cửa hang nhà thầu đã đào sâu hơn 1,25m, phá vỡ hiện trạng cửa hang không thể phục hồi lại hiện trạng tự nhiên của cửa hang.
Cửa hang động Khó Chua La bị nhà thầu thi công đào sâu vào trong 1,25m làm phá vỡ hiện trạng cửa hang không thể phục hồi lại hiện trạng tự nhiên của cửa hang
Theo điều tra của phóng viên Dân Việt trước khi thực hiện đầu tư công trình, UBND huyện Tủa Chùa đã có Tờ trình số 95/TTr - UBND ngày 7.3.2016 trình UBND tỉnh Điện Biên, Sở Kế hoạch - Đầu tư về việc thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường vào quần thể hang động và bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử hang động Xá Nhè + Xá Nhè 2 huyện Tủa Chùa đã được xếp hạng cấp Quốc gia.
Ngày 22.8.2016 ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã ký Quyết định 1073/QĐ - UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án xây dựng đường vào và các công trình phụ trợ thuộc di tích cấp Quốc gia.
Ngày 28.10.2016 ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên lại ký Quyết định số 1385/QĐ - UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình đường vào và các công trình phụ trợ thuộc di tích cấp Quốc gia, danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè và Khó Chua La, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.
Đường tham quan hang động đã được thì công gần xong. Nhiều chỗ đã làm ảnh hưởng đến kết cấu của hang, không thể phục hồi
Trước khi ký các Quyết định trên, UBND tỉnh Điện Biên đã giao các sở: Giao thông Vận Tải; Kế hoạch Đầu tư; Văn hóa Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh ra các Quyết định.
Theo các chuyên gia, quần thể hang động Xá Nhè, Khó Chua La đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích cấp Quốc gia. Như vậy UBND tỉnh Điện Biên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Theo Khoản 3, Điều 32 Luật sửa đổi bổ sung một số điểu của Luật di sản văn hóa: Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.
Do đó, quần thể hang động Xá Nhè, Khó Chua La đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích cấp Quốc gia thì phải có ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Hang động Xá Nhè, Khó Chua La đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích cấp Quốc gia. Như vậy muốn tôn tạo đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: "Ngay sau khi phát hiện ra sai phạm, chưa được sự đồng ý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để triển khai dự án, UBND tỉnh Điện Biên đã cho dừng thi công. UBND tỉnh đã cử 1 đoàn liên ngành vào kiểm tra, đánh giá thực trạng tại hang Xá Nhè và Khó Chua La".
Cũng theo ông Lê Văn Quý, trước khi triển khai dự án, UBND tỉnh đã lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, nhưng không sở, ngành nào tham mưu cho UBND tỉnh làm tờ trình xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, vì thế mới xảy ra tình trạng UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật sai so với Luật di sản.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Điều 13 Luật di sản văn hóa quy định các hành vi không được phép thực hiện với di tích cấp quốc gia: 1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; 2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; 3. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Điểm b, Khoản 1, Điều 34 quy định: Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |