Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu xử lý người đứng đầu để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt (Ảnh: IT)
Bộ GTVT cho biết, trong tháng 5.2018, trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra liên tiếp 5 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, trong đó 3 vụ sự cố, tai nạn do lỗi chủ quan của ngành Đường sắt gây ra, hậu quả làm 2 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước…
Để tăng cường các biện pháp phòng ngừa các vụ tai nạn tương tự xảy ra, Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN khẩn trương chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn chạy tàu đối với tất cả các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Tổng công ty, đặc biệt là các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện quy trình tác nghiệp đón, tiễn tàu của nhân viên gác chắn đường ngang và các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, kiểm tra, rà soát toàn diện việc thực hiện quy trình, quy phạm của các chức danh liên quan trong công tác tổ chức chạy tàu.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong Hội đồng thành viên, Ban điều hành, Ban nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Tổng công ty, theo quy định của pháp luật và của Tổng công ty về việc “Xử lý trách nhiệm Người quản lý của Tổng công ty, Người đứng đầu đơn vị trực thuộc và Người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Đường sắt VN trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn chạy tàu”; kết quả xử lý báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 10.6.2018.
Cũng tại phiên trả lời chất vấn ngày 4.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, giao thông đường sắt, nhất là Bắc Nam là tuyến hết sức quan trọng. Nếu giải quyết tốt thì giảm tải đường bộ rất nhiều, không cần đầu tư nhiều tiền cho đường bộ Bắc Nam như hiện nay. Nhìn nhận ngành tham mưu kém nên chưa có giải pháp hình thành đường sắt Bắc Nam như yêu cầu.
Đường sắt hiện đang ở giai đoạn 2 trong 4 giai đoạn, tức là vô cùng lạc hậu. Có đoạn đường sắt 70-80 năm rồi mà chưa nâng cấp. “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm trong công tác tham mưu” – ông Thể nói.
Trước thực tế tai nạn đường sắt gia tăng, “tư lệnh” ngành giao thông giải thích, hiện đường sắt còn 5.719 đường giao cắt, 1519 giao cắt do tổng công ty đường sắt bố trí có gác chắn, còn lại 4.200 giao cắt dân sinh chủ yếu là đường nhỏ... do đó, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông chấp hành không nghiêm, dù có hiệu lệnh, biển báo nhưng không tuân theo.
Để chấn chỉnh, Bộ đã việc làm các tổng công ty, các địa phương tăng cường quản lý, quy định rõ trách nhiệm, dứt khoát không phát sinh thêm đường giao cắt. Tăng cường tự động hoá và đảm bảo an toàn tại đường giao cắt.
“Nếu làm thì phải làm song hành, không thể chắp vá đường sắt hiện nay. Nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo thì tiến hành dự án. Điều đáng tiếc thời gian qua chưa có dự án nào được làm mới” – ông Thể cho hay.
Bên cạnh đó, ông Thể cho biết, dự án đường sắt không được Quốc hội thông qua cách đây 8 năm thì trách nhiệm lớn thuộc Bộ GTVT. Năm 2019, Bộ sẽ trình dự án đường sắt tốc độ cao.
Ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại, tại kỳ họp 4, Quốc hội cho dùng 7.000 tỷ đồng trung hạn 5 năm dành cho đường sắt, 8.000 tỷ đồng dành cho đường bộ với dự án tạm dừng thi công gây ảnh hưởng cho địa phương.
"Tới nay việc này cũng chậm, Bộ trưởng nhanh chóng chỉ đạo để sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội" – Chủ tịch Quốc hội nói.