Dân Việt

Điệp viên bí ẩn Mata Hari (Kỳ 4): Điệp viên vĩ đại hay gái điếm hạng sang?

Minh Phương 09/06/2018 16:11 GMT+7
Sự tươi tắn mới mẻ biến mất, tuổi thanh xuân tươi trẻ đã ở lại phía sau. Cô ta cố tìm những hợp đồng ở London.

Rất nhanh người Anh hiểu cô ta thực tế là ai - một vũ nữ thoát y ở đáy xã hội thượng lưu Paris. Cô ta nhảy ở Foly-Berger nơi hiển nhiên là thuộc đẳng cấp đích thực của cô ta. Nhưng nếu như London ngoảnh mặt với cô thì Berlin lại chào đón cô hồ hởi hơn.

Gái điếm hạng sang?

Thủ đô nước Đức luôn nổi tiếng là ưa thích thứ khiêu dâm thô bỉ, đã tiếp đón cô ầm ĩ hơn cả Paris. Và cũng giống như ở Paris, cô đã ngủ với những quan chức cao cấp nhất nước Đức. Theo lời đồn đại thì trong số những nhân tình của cô ta có cả Hoàng đế Đức.

Nhưng từ đó trở đi, ta đã hoàn toàn không thể phân biệt được truyền thuyết với sự thực nữa. Sự thực ngày càng mờ nhạt còn chuyện hoang đường thì giành chiến thắng. Hiển nhiên, Mata Hari đã trở thành gián điệp của Đức. Nhưng khi nào? Và tại sao? 

Tại phiên toà ở Paris 10 năm sau, cô ta phủ nhận mình là điệp viên Đức có bí số H21. Các chuyên gia cho rằng, bí số đó có nghĩa là cô ta được tuyển mộ sau năm 1914, mà cũng có thể nó chỉ là sự tưởng tượng không hơn không kém của cô ta mà thôi.

Tại sao cô ta trở thành gián điệp? Thói hiếu danh của cô ta hiển nhiên đã bị tổn thương khi sự nghiệp của cô ta bắt đầu buổi xế tà ở Paris. Nhưng cũng có thể cô ta chỉ no xôi chán chè với những chuyến phiêu lưu trước đây và bắt đầu đi tìm những cuộc phiêu lưu mới, nguy hiểm hơn. 

Nước Pháp khi đó đang là đối tượng chủ yếu của hoạt động gián điệp. Tình báo Đức không thể không hiểu là một người đàn bà ngủ với khắp giới thượng lưu Âu châu hiển nhiên sẽ có một tiềm năng gián điệp vô cùng lớn.

Trong khi đó, lại rất khó, nếu không nói là hoàn toàn không thể, xác định những tình tiết liên quan đến hoạt động của cô ta cho tình báo Đức. Theo một số giả thiết, Mata Hari là ngôi sao của Toà nhà Xanh nổi tiếng mà Wilhelm Stiber thành lập nên. 

Theo những lời đồn khác thì cô ta đã nhận tước vị bá tước von Linden, sống tại một biệt thự sang trọng, nơi bà ta hú hý với những nhân vật có tước vị danh vọng và các nhà ngoại giao để moi những bí mật của họ trong những câu chuyện trên giường.

img

Người đẹp Mata Hari từng làm rung chuyển châu Âu trong thế chiến I.

Bà ta đã là nhân tình của nhiều quan chức Đức cao cấp theo như bà ta tự thú nhận. Nhưng lại có những tranh cãi về tên tuổi của họ, trong đó có cả Kronprinz (Thái tử) Wilhelm. Người ta nói là ông ta mê mẩn Mata Hari đến nỗi còn đem bà ta đi dự tập trận của quân đội; ở Silezi, bà ta đã nhảy trần truồng trong nhà ăn cấp tướng. Wilhelm bác bỏ điều này nhưng cũng không thanh minh gì cả.

Một tình nhân mang dòng máu hoàng gia khác có thể chính là con rể tương lai của Thái tử Đức - Quận công Braunschweigs, cháu trai của Hoàng hậu Alexandra, ông ta cũng là chi trưởng dòng Hannover của Hoàng gia Anh. Và một lần nữa lại không thể xác nhận sự thật.

Cho đến năm 1910, nước Đức đã đi đến kết luận rằng chiến tranh với Pháp là không thể tránh khỏi. Khi đó, theo truyền thuyết, Mata Hari đã được cử đi học ở trường tình báo ở Bazel. Khoá học đã không diễn ra vì những nguyên nhân không rõ và một lần nữa lại chẳng thể xác minh có bao nhiêu phần sự thật trong câu chuyện này.

Ngay trước chiến tranh, Mata Hari đã tròn 37 tuổi. Đường công danh của một vũ nữ thoát y đã đi đến hồi kết. Lẽ ra bà ta đã phải bình tĩnh lại và bắt đầu tìm kiếm một bến đỗ bình yên cho mình. Nhưng chính vào thời gian này, bà ta đã đưa ra những tuyên bố giật gân và bỉ ổi để một lần nữa thu hút sự chú ý của mọi người. 

Một lần bà ta công khai tuyên bố bà ta là con gái của hoàng tử xứ Wales, sau đó là của vua Edward VII, và cả của công chúa Ấn Độ.

Mata Hari vĩ đại?

Ba ngày trước khi Thế chiến I bắt đầu, một nhân viên tình báo Anh đã nhìn thất Mata Hari ở Berlin, trong nhà hàng của khách sạn Adlon, cùng với chỉ huy cảnh sát Berlin, người họ hàng của bộ trưởng ngoại giao Đức von Jagow. 

Ba năm sau, cô ta đồng ý với điểm luận tội, trong đó có đềm cập đến khoản tiền 30.000 mác mà cô ta nhận từ viên cảnh sát đó. Nhưng cô ta tuyên bố đó là tiền thanh toán không phải cho việc làm gián điệp mà cho một phụ nữ đã phục vụ nhu cầu bản năng của ông ta trong một thời gian dài. 

img

Điệu nhảy đầy chất huyền bí phương Đông của Mata Hari.

Và một lần nữa thì đâu là sự thật và đâu là truyền thuyết? Các nhà bình luận tất thảy đều mơ hồ về điều đó.

Một mặt, chỉ huy cảnh sát Berlin dường như chẳng có gì chung với tình báo cả. Nhưng các nhà phê phán không am hiểu hệ thống cảnh sát Đức đã không đánh giá đầy đủ một yếu tố khác: von Jagow không chỉ là chỉ huy cảnh sát Berlin, mà còn là chỉ huy cảnh sát mật của Phổ, cơ quan sau này đã trở thành Gestapo (Gestapo (Geheime Staatspolizei) - Cảnh sát Mật Quốc gia của Đức phát xít (1933-1945) do trùm phát xít Hermann Goering sáng lập - PV).

Cảnh sát chính trị Phổ, ban 1A, chịu trách nhiệm về phản gián ở Berlin. Nếu Mata Hari, mà điều này khá chắc chắn, đã hoạt động trong nhiều năm trước như một nữ gián điệp kiêm gái điếm hạng sang, khi tiếp xúc với những vị khách thần thế của thủ đô Đức thì cô ta đã làm theo chỉ đạo của cảnh sát chính trị. Và trong trường hợp này, chỉ huy của cô ta nhất định là von Jagow chứ không phải ai khác.

Còn một giả thiết khác, có thể là đáng tin nhất: 30.000 mác - đó là khoản tiền mà sếp của Mata Hari trả cho cô ta khi thải hồi. Người Đức đã quyết định không sử dụng một thần dân Hà Lan trong thời gian chiến tranh. 

Hai ngày sau, một doanh nhân Hà Lan trông thấy Mata Hari tại một trong những khách sạn ở Berlin trong tình trạng hoàn toàn suy sụp. Đây là câu chuyện mà ông ta nghe được từ cô ta lúc đó: cô ta dường như là người Nga và sẽ phải biểu diễn trong tuần tới tại một chương trình tạp kỹ ở Berlin, nhưng người phụ trách trangh phục đã bị kẹt lại ở Paris cùng với đạo cụ. 

Chiến tranh làm đứt quãng tất cả những quan hệ trước đây và những hợp đồng của cô ta khiến cô ta mất việc, bởi vậy lúc này cô ta đang tuyệt vọng.

Doanh nhân giành riêng cho cô ta một chỗ trên chuyến tàu nhanh Amsterdam và trong vòng mấy tuần cô ta đã là khách của vợ chồng ông. Hiển nhiên, là một thiên tiểu thuyết đã được viết nên với một “nữ nghệ sĩ Nga” xinh đẹp và không may. 

Khi biết “cô gái Nga” này cũng là người Hà Lan như chính ông ta và chồng cũ của cô ta hiện đang sống ngay bên cạnh thì doanh nhân kia vội vã đánh dấu chấm hết cho thiên tiểu thuyết lãng mạn.

Từ thời điểm đó bắt đầu chương chính trong truyền thuyết về Mata Hari vĩ đại. Không thể liệt kê và đếm được những việc mà cơ quan tình báo Đức trong ba năm cuối giao cho cô ta. Những thành tích nổi bật nhất, mà có thể tất cả chỉ là chuyện giả dối, của Mata Hari gồm có:

1. Cô ta đã là chỉ huy cơ quan tình báo Đức ở Pháp và đã chỉ huy các chiến dịch mà trên thực tế là do một nữ gián điệp Đức bí hiểm khác ở đất Bỉ bị chiếm đóng có bí danh “Mademoiselle Tiến sĩ” vạch ra.

2. Cô ta đã moi được những chi tiết về kế hoạch bố phòng trứ danh của Pháp  từ những người tình là sĩ quan cao cấp và chuyển chúng cho người Đức.

3. Cô ta đã trao cho Đức cả một lưới tình báo với 66 điệp viên của Pháp.

4. Cô ta đã cảnh báo cho Bộ Chỉ huy tối cao Đức về cuộc tiến công của người Anh ở vùng Somme và về cuộc tiến công của Pháp ở vùng Shemin de Dame.

5. Cô ta đã chuẩn bị cho việc đánh đắm 17 chiếc tàu vận tải quân sự Anh cùng với rất nhiều nạn nhân.

6. ẩn mình dưới lốt của một bà bà sơ từ thiện chăm sóc một đại uý quân đội Nga, “người duy nhất mà tôi đã yêu”, cô ta đã lợi dụng anh này để moi được các kế hoạch tác chiến tuyệt mật của Pháp.

7. Cô ta đã lấy được những bản vẽ bí mật của xe tăng bằng cách quyến rũ một sĩ quan Anh tại Madrid.

8. Cô ta đã trao cho người Đức thông tin về sự bố phòng của Verdun  (Verdun, một thành phố ở Đông Bắc Pháp và là tên một phòng tuyến nổi tiếng nơi đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân Đức và Pháp từ tháng 2 đến tháng 12 năm 1916 - PV).

 9. Cô ta đã trao cho Đức kế hoạch của Hải quân Anh dẫn đến Anh bị tổn thất chiếc tuần dương hạm cùng thống chế, huân tước Kitchener.

10. Cô ta đã trao cho người Đức các kế hoạch bay chiến đấu của Không quân Pháp.

Và tất cả những điều đó có thể là sự thật, mà cũng có thể không. Không thể khẳng định chắc chắn được. Ta đang nói về một cơ quan tình báo kia mà. Những sự kiện được xác định chính xác sẽ kém ấn tượng và ít kịch tính hơn nhiều.

(còn tiếp)