Dân Việt

Nhiều vụ xâm hại trẻ em khi lãnh đạo cấp cao lên tiếng mới được xử lý

Nguyệt Tạ 05/06/2018 16:40 GMT+7
Chiều 5.6, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, các giải pháp giảm hại chưa quyết liệt, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chưa nghiêm là những vấn đề được các đại biểu đề cập gay gắt.

Chiều 5.6 phiên chất vấn lại tiếp tục “nóng” bởi hàng loạt các câu hỏi liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục trẻ em.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), cho biết tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm, trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em, 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ 1 cháu, thì có ít nhất 10 cháu bị 2 vụ, với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Về nguyên nhân, 6% số vụ liên quan đến hàng xóm, người quen; 21% liên quan đến người thân trong gia đình. "Vậy xin hỏi Bộ trưởng, giải pháp nào là căn cơ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?"- ĐB Tuấn nêu câu hỏi.

img

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tiếp tục trả lời các chất vấn.

Nối tiếp phần tranh luận xung quanh những bế tắc về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Bến Tre lại nhắc lại câu nói đau lòng của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): “Cháu nói thì không nghe, cháu tự tử thì chúng ta mới khởi tố. Báo chí nêu chúng ta có 17 cơ quan phụ trách liên quan tới vấn đề này, nhưng gia đình các cháu thường phải chiến đấu đơn độc. Tôi chính thức mong muốn các cơ quan tố tụng phải làm việc, làm rõ vụ án ở Thủ Đức (TP.HCM)?”.

Hầu hết các đại biểu cảm thấy chưa thoả đáng với phần trả lời chất vấn của Bộ Trưởng Bộ LĐTBXH, Chánh Án toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát tối cao.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng thừa nhận việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em còn chậm, chỉ khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao thì các vụ việc mới được xử lý.

Hầu hết các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng, chính Bộ LĐTBXH đã phải trực tiếp làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo Đảng, Chính phủ. “Gần đây nhất, chính tôi đã có ý kiến Viện kiểm sát, Toà án... để can thiệp một số vụ việc” – Bộ trưởng Dung nói.

img

Đại biểu chất vấn về tình trạng gia tăng các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Lê Minh Trí cho rằng, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em là vụ việc gây bức xúc dư luận. 

Ông Trí cũng cho biết, tháng 12.2017, Bộ công An, Viện Kiểm sát, Toà Án nhân dân tối cao cũng ban hành thông tư liên tịch trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo trong đó có vấn đề xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

Được mời trả lời về vấn đề này trong chiều 5.6, Chánh án toà án Nhân dân tối cao – Nguyễn Hoà Bình cho biết, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2013-2017 toà án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan tới tội "Xâm hại tình dục trẻ em", trong đó trả hồ sơ 549 vụ, hơn 7.600 vụ xét xử đúng người đúng tội.

Theo ông Bình, số vụ trả lại hồ sơ, điều tra lại là gần 550 vụ (hơn 6%) gây bức xúc trong dư luận không phải do khó khăn trong xét xử mà khó khăn trong điều tra. Lý do là các vụ xâm hại thường được phát hiện muộn, cha mẹ che giấu, không hợp tác với cơ quan điều tra. Có vụ bắt buộc phải giám định nhưng gia đình lại từ chối.

Đại biểu Minh Hiền (Phú Yên) lại một lần nữa tranh luận và nhấn mạnh xung quanh vấn đề quy định hành vi có liên quan tới tội danh xâm hại tình dục trong đó có tội danh "Dâm ô". Bởi hiện nay, nếu không quy định rõ thì không thể xử được tội danh này.

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, nhiều vụ án chưa được xử lý nghiêm. “Chỉ những vụ án được lãnh đạo cấp cao lên tiếng, dư luận phản đối thì mới được xử nhanh, xử nghiêm. Vậy những vụ án khác có liên quan xâm hại tình dục mà lãnh đạo chưa có ý kiến thì làm sao?” – bà Nga đặt dấu hỏi.  

Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại mỗi năm. “Đây là số liệu được thu thập từ 3 kênh khác nhau, nhưng theo nhìn nhận của chúng tôi, đây mới chỉ là phản ánh, còn số thực tế có thể tăng lên” – Bộ trưởng nói.