Trưa 3.12, thang máy của tòa nhà Keangnam đã bị cắt khiến hàng trăm hộ dân không thể lên được nhà mình. Muốn về nhà, người dân chỉ có cách đi bộ 46 tầng cầu thang. Không những thang máy bị cắt, đường Internet, truyền hình cũng liên tục trục trặc, hệ thống thông tin nội bộ hoàn toàn bị vô hiệu hóa khiến người dân ở Keangnam khó có thể liên lạc với nhau.
Thang máy bị vô hiệu hóa |
Cư dân Keangnam nháo nhác, bức xúc vì không thể về nhà |
Việc cắt thang máy của chủ đầu tư khiến cư dân Keangnam bức xúc. Người dân trong các căn hộ bị cô lập, trong đó phần lớn là người già và các cháu nhỏ, đặc biệt có gần chục phụ nữ mang thai đến tháng đẻ đã phải vật vã chờ đợi, chầu chực ở hai sảnh A, B. Chiều muộn, các hộ dân về nhà càng đông dẫn đến cảnh náo loạn tại toàn bộ khu nhà.
Quá bức xúc với hành động trên của chủ đầu tư, người dân đã đến văn phòng Chestnut Vina, chủ đầu tư tòa nhà “ở trọ” với mục đích nhằm gây sức ép đòi Keangnam mở lại thang máy.
Tuy nhiên, mọi cố gắng của cư dân tòa nhà đều trở nên vô vọng khi người chịu trách nhiệm chính là ông Ha Jong Suk - Chủ tịch tập đoàn Keangnam Vina vẫn “lẩn trốn”, không chịu gặp dân.
Các biên bản được ký bởi đại diện Keangnam Vina - ông Ha Jong Suk với nội dung chấp nhận mở cửa thang máy cho cư dân |
Sau gần một ngày, ban quản lý Keangnam không hề có động thái hợp tác tìm tiếng nói chung, cư dân nơi đây buộc phải cầu cứu đến chính quyền, thậm chí còn gọi đến cảnh sát 113 nhờ trợ giúp.
Cuối cùng, với sức ép của cư dân và yêu cầu kiên quyết từ phía chính quyền, đại diện Keangnam Vina - ông Ha Jong Suk đã xuất hiện và phải xuống nước. Sau 4 tiếng đàm phán căng thẳng, khoảng 21h30 ngày 3.12, ông Ha Jong Suk - Chủ tịch Công ty Keangnam Vina đã phải nhượng bộ, ký vào văn bản cam kết với chính quyền, Ban đại diện cư dân: “Mở toàn bộ thang máy cho cư dân đi lại; Cam kết không được cắt bất cứ loại hình dịch vụ nào của dân; Định ngày đàm phán với ban đại diện cư dân, dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương vào tuần sau".
Cẩm Ngọc