Dân Việt

Vụ cướp máy bay khai thông quan hệ Trung-Hàn (Kỳ cuối): Ngoại giao

Vĩnh Hà 11/06/2018 10:33 GMT+7
Sau khi đàm phán kết thúc, Nam Triều Tiên nhiều lần từ chối chuyển giao không tặc cho phía Đài Loan, đồng thời áp dụng hình phạt với những tội phạm này. Một năm sau, sau nhiều áp lực Nam Triều Tiên mới thả, giao họ cho phía Đài Loan.

NGOẠI GIAO “CƯỚP MÁY BAY”

Sau khi máy bay bị cướp, Trung Quốc đã quyết định cử một đoàn đàm phán sang Nam Triều Tiên với mong muốn đưa con tin trở về nước an toàn. Trả lời phỏng vấn của tờ “Quốc tế tiên khu đạo báo”, Tiền Văn Vinh, phóng viên Tân Hoa xã từng tham gia đoàn đàm phán nêu trên phân tích: “Vì sao khi đó Trung Quốc không muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Triều Tiên? Một là do vấn đề Đài Loan, hai là vấn đề Bắc Triều Tiên”.

Thời điểm đó, Tiền Văn Vinh và Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Hiệp ước thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hứa Quang Kiện đều che giấu thân phận thực sự, sang Seoul với tư cách thành viên đoàn đàm phán của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc. Hứa Quang Kiện giải thích: Khi đó, Trung Quốc chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Triều Tiên. Nếu có đại diện Tân Hoa xã tham gia, cho thấy đây là vấn đề đối ngoại. Nếu xuất hiện nhân viên ngoại giao, đương nhiên không phù hợp thông lệ quốc tế.

img

Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc Thẩm Đồ (phải) và đại diện Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Ro-Myung Gong bắt tay nhau sau khi hai bên ký kết Bản ghi nhớ ngày 10.5.1983.

Trên thực tế, khi đoàn đàm phán vừa xuống máy bay, phía Nam Triều Tiên thông qua nhiều kênh khác nhau đã biết rõ nguồn gốc của từng thành viên trong đoàn, nhưng vẫn giữ kín. “Họ muốn nhân cơ hội này đàm phán về quan hệ Trung - Hàn”. Đối với Hứa Quang Kiện, yêu cầu này là quá cao bởi đoàn được cử sang dưới danh nghĩa của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, cơ bản không có bất kỳ quyền hành gì về mặt ngoại giao.

Do vậy, hai bên đều gắng sức thực hiện nguyện vọng của mình, không bên nào muốn nhượng bộ. Phía Nam Triều Tiên còn chịu sự bất mãn và chỉ trích từ phía Đài Loan. Tiền Văn Vinh cho biết: “Nam Triều Tiên từ chối chuyển không tặc cho phía Đài Loan (Trung Quốc). Phía Đài Loan thậm chí còn phái người đến rủ rê hành khách trên chuyến bay này bỏ sang Đài Loan, phía Hàn Quốc còn tăng cường bảo vệ… Tuy nhiên, Nam Triều Tiên rốt cuộc cũng ‘thiết lập quan hệ ngoại giao’ với Đài Loan nên không muốn làm quá mạnh tay”.

img

6 nhân vật cướp máy bay chụp ảnh cùng Tưởng Kinh Quốc.

Về phía Trung Quốc, khi đoàn đàm phán quyết định từ bỏ việc dẫn độ không tặc về nước để nhanh chóng kết thúc đàm phán thì một vấn đề mới nảy sinh - một bản ghi nhớ có nhiều chữ “Đại Hàn dân quốc” được chuyển cho các thành viên trong đoàn. Tiền Văn Vinh bày tỏ: “Họ rất ranh mãnh, chỉ cần chúng tôi ký tên thì coi như đã thừa nhận họ, đồng nghĩa với việc hai bên đã thiết lập quan hệ gì đó”. Khi đó, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên nên chỉ có thể gọi nước này là “Nam Triều Tiên”, còn để phân biệt với Triều Tiên, họ tự xưng là “Nam Hàn”, “Đại Hàn dân quốc”. Phần đàm phán tiếp theo trở nên vô cùng căng thẳng bởi vướng mắc về vấn đề tên gọi.

Đến lúc này Tiền Văn Vinh nhận được chỉ thị từ trong nước: Vấn đề tên gọi là thứ yếu, cần nhanh chóng đưa hành khách và máy bay về nước. Sau khi nắm rõ chỉ thị này, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc Thẩm Đồ giao nhiệm vụ sửa bản ghi nhớ cho Hứa Quang Kiện và Tiền Văn Vinh. Tiền Văn Vinh cho biết, có hai cách sửa, một là sửa thành Nam Triều Tiên, hai là sửa thành Seoul, chỉ lưu lại chữ “Đại Hàn dân quốc” ở phần ký tên, đồng thời phần ký tên của phía Trung Quốc đổi từ “Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” sang “Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc”. Sau cả một đêm chỉnh sửa, đối chiếu, sáng hôm sau phía Nam Triều Tiên nhận được bản ghi nhớ, vừa nhìn thấy trang cuối còn chữ “Đại Hàn dân quốc” thì tỏ ra rất vui mừng và lập tức tổ chức lễ ký kết trong sáng ngày 10.5.1983. Chiều hôm đó, đoàn đàm phán cùng 99 hành khách và phi hành đoàn rời Seoul, còn 6 không tặc trong đó có Trác Trường Nhân lưu lại Seoul.

Khai thông quan hệ Trung - Hàn

Sau khi đàm phán kết thúc, Nam Triều Tiên nhiều lần từ chối chuyển giao không tặc cho phía Đài Loan, đồng thời áp dụng hình phạt với những tội phạm này. Một năm sau, sau nhiều áp lực Nam Triều Tiên mới thả, giao họ cho phía Đài Loan. Đài Loan coi những tên không tặc này là thượng khách, đồng thời phong cho họ danh hiệu “Sáu nghĩa sĩ chống Trung cộng”. Tuy nhiên, họ vẫn rất khó cải tà quy chính, Trác Trường Nhân sau này bị Đài Loan tuyên án tử hình vì tội danh Bắt cóc, tống tiền.

img

Trác Trường Nhân tại Đài Loan.

Khi hồi tưởng lại giai đoạn lịch sử này, Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại Hàn Quốc Trương Đình Diên vẫn xúc động cho rằng vụ cướp máy bay này đã đóng vai trò thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Hàn.

Theo Đại sứ Trương Đình Diên, sự “bất hợp tác” của Nam Triều Tiên trong sự kiện cướp máy bay nêu trên khiến phía Đài Loan rất bất mãn, qua đó quan hệ hai bên bắt đầu xấu đi. Ngược lại, năm 1990, Nam Triều Tiên cử đoàn vận động viên tham gia Đại hội Thể thao châu Á được tổ chức tại Bắc Kinh, qua đó bày tỏ sự ủng hộ đối với Trung Quốc; tiếp đó Trung Quốc bày tỏ ủng hộ Nam Triều Tiên tham gia Liên hợp quốc. Tất cả những động thái có đi có lại đó đã đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, còn giao lưu thương mại và giao lưu giữa dân hai nước thì càng không thể ngăn chặn. Tháng 8.1992 Nam Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tên gọi “Nam Triều Tiên” cũng từ thời điểm này biến thành “Hàn Quốc”.

Trong cuốn sách “Ngoại giao cướp máy bay Trung - Hàn”, tác giả Nguyễn Hồng đánh giá như sau: Nếu nói sự kiện cướp máy bay trở thành bước ngoặt đánh dấu quan hệ Hàn - Đài dần xa cách thì đồng thời cũng là bước ngoặt khiến quan hệ Trung - Hàn dần xích lại. Vụ cướp máy bay mang tính chất tiêu cực cuối cùng lại khai thông quan hệ bị đóng băng lâu nay giữa hai nước láng giềng Trung - Hàn một cách đầy kịch tính.