Chọn nấm bào ngư để khởi nghiệp, Trương Ngọc Ánh (35 tuổi), ở thôn 13, xã Tâm Thắng (Chư Jút, tỉnh Đắk Nông) đang thành công với mô hình trồng nấm an toàn với nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.
Trương Ngọc Ánh với mô hình trồng nấm bào ngư của mình.
Để khởi nghiệp với nghề trồng nấm, năm 2012 Ánh khăn gói về vùng chuyên sản xuất nấm ở Đồng Nai học tập kỹ thuật, kinh nghiệm trồng nấm. Sau gần 1 tháng thực tế các mô hình trồng nấm ở Đồng Nai, anh về xây dựng trang trại nấm tại gia đình.
Ban đầu khởi nghiệp chưa có nhiều vốn để đầu tư, Ánh sử dụng khoảng đất phía sau nhà với diện tích 20 m2 để xây dựng cơ sở sản xuất với khoảng 20.000 bịch phôi nấm bào ngư mỗi đợt. Mỗi bịch phôi nấm phát triển kéo dài 5-6 tháng, trung bình thu từ 2-3 lạng nấm tươi và thu hoạch nhiều đợt.
Quá trình nuôi phôi, thu hoạch phụ thuộc kỹ thuật của người trồng. Chỉ trồng nấm bào ngư nên Ánh ngày càng nắm rõ kỹ thuật, sản xuất hiệu quả, tạo được nguồn thu nhập, có vốn để xoay vòng, có lợi nhuận để tích lũy vốn từng bước đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Đưa chúng tôi đi thăm trại nấm, Ánh cho biết: "Thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay là lựa chọn các sản phẩm sạch để dùng. Nắm bắt được nhu cầu này, gia đình tôi sản xuất nấm hoàn toàn theo phương thức hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Vì thế, thu hái và bán ngay ra thị trường mà không cần qua công đoạn sơ chế nào. Nhu cầu thực tế của thị trường về loại nấm này rất lớn".
Để tạo nguồn hàng thường xuyên cung cấp cho các thương lái, các nhà hàng, quán ăn và chợ đầu mối trên địa bàn, anh Ánh sản xuất theo hình thức gối đầu từng đợt nên ngày nào anh cũng có nấm bán ra thị trường với số lượng mỗi ngày ít nhất 100 kg.
Trại nấm của anh Ánh đã trở thành mô hình học tập cho nhiều thanh niên trên địa bàn
Để ngày càng có cách làm hay, hiệu quả, anh Ánh còn thường xuyên dành thời gian tìm hiểu kĩ thuật làm trại nấm cũng như chăm sóc nấm trên mạng Internet và thăm quan một số trại nấm khác trong tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm, từ đó cải tiến thành những phương pháp phù hợp nhất.
Để nấm phát triển tốt, Ánh đầu tư lắp đặt dàn phun sương, bảo đảm đủ độ ẩm để nấm phát triển. Hiện nay, anh đã đầu tư xây dựng trại nấm trên diện tích mặt bằng 1.000 m2, gồm lò hấp, khu vực vào bịch, khu vực cấy phôi, ủ và treo nấm.
Mỗi đợt anh Ánh sản xuất khoảng 70.000 bịch phôi và thu khoảng 2 tấn nấm thương phẩm. Mỗi năm 2 đợt sản xuất, với giá thị trường hiện nay từ 20 – 25 ngàn đồng/kg, mô hình trồng nấm bào ngư đã mang về cho gia đình gần 1 tỷ đồng. |
Ngoài bán nấm thương phẩm, anh còn bán ra thị trường hàng ngàn bịch phôi nấm với giá từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/bịch phôi. Không chỉ tạo thu nhập gần 1 tỷ đồng cho gia đình mỗi năm, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 – 10 người với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng.
Thời gian qua, trang trại nấm của anh Ánh là điểm trao đổi, học tập kinh nghiệm cho những người có đam mê trồng nấm, là cầu nối chuyển giao công nghệ, địa chỉ khởi nghiệp cho nhiều thanh niên nông thôn.
Trương Ngọc Ánh chia sẻ: Nấm bào ngư thường mắc bệnh mốc xanh, gây hại phôi, tiêu diệt phôi khiến phôi nấm không thể ra tai. Bệnh này không lây nhiễm và chỉ cần xử lý tốt phần phôi giống thì có thể phòng bệnh hiệu quả. Để tránh các loại bệnh cho nấm, người trồng cần tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu xử lý bột gỗ, tưới bằng nước sạch, vệ sinh trại sạch sẽ hằng ngày. Bên cạnh đó, bố trí khu vực sản xuất xa khu chăn nuôi gia súc, gia cầm...