"Cha nuôi" mà các chàng trai người Mông nhận là một phiến đá to ngự trên đỉnh núi thiêng cao chót vót ngay trước bản. Dân bản quan niệm rằng, thời khắc đánh dấu sự trưởng thành của một chàng trai phải được gió núi, mây ngàn, trời cao, đất rộng chứng kiến, phải được hòn đá thiêng nhận làm con nuôi thì mai này tương lai mới rộng mở, cuộc sống thành đạt, tránh được mọi tà ma, bệnh tật quấy nhiễu...
Một chàng trai Mông được làm lễ đặt tên mới. |
Lễ thay tên mới thường được chọn làm vào buổi sáng những ngày cuối tháng 12 dương lịch khi mặt trời đã nhô lên khỏi ngọn núi. Lễ vật chỉ được phép chế biến khi đã mang lên đỉnh núi thiêng, gồm: Gà trống tơ 1 con, rượu ngô 3 chén, nước suối 3 bát, hương 6 nén và 3 tờ giấy bản đã cắt thành tiền.
Đúng giờ lành, thầy cúng cho tiết gà và dùng nó quết vào hòn đá thiêng, quết vào tờ giấy tiền và hòa vào rượu. Đồ lễ vật chuẩn bị xong, thầy cúng đứng giữa, bố mẹ và người con trai nhân vật chính của buổi lễ đứng hai bên, trang nghiêm thành kính khấn, đại ý: Con là... được cha mẹ sinh ra và nuôi cho khôn lớn, giờ đây đã đến tuổi trưởng thành. Hôm nay đến đây xin được đặt tên mới, con có cơm, có rượu thịt mới, cha nuôi nhận, chứng giám cho con hôm nay được đặt tên mới, mong cha nuôi xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều không may mắn để cuộc sống sau này con được bình yên hòa thuận, làm ăn phát đạt…
Khấn xong, thầy cúng cùng với chủ nhân của buổi lễ, mỗi người một đầu cùng xe sợi lanh xoắn vào nhau cho thật chắc để buộc vào cổ chàng trai làm bùa hộ mệnh, phần thừa còn lại được cắt ra và giấu vào trong khe đá.
Lúc này, các nén hương đã cháy hết 2/3, người con trai vừa chính thức trưởng thành được tự tay mình luộc thịt gà, nấu cơm để dâng lên "cha nuôi" là phiến đá với lời mời: "Trình lạy cha nuôi, mẹ dưỡng! Thức ăn tự tay con đã nấu chín, gà đã luộc ngon, kính mời cha uống rượu, ăn đầu gà, chân gà, cổ cánh và ăn cơm chứng giám cho lòng thành của con...".
Sau thủ tục mời này chừng 10 phút thì tất cả gia đình của người con được làm lễ đổi tên sẽ cùng dọn cơm ăn ngay bên phiến đá thiêng vừa trở thành cha nuôi chàng trai với ý nghĩa là cả gia đình cùng ăn bữa cơm sum họp đầu tiên để mừng cho một thành viên đã chính thức làm người lớn.
Kể từ khi được mang tên mới, nhận trọng trách mới với gia đình, cộng đồng, chàng trai Mông trưởng thành phải thực hiện thêm 2 lần đem lễ lên núi tạ tảng đá "cha nuôi" vào 2 dịp tết liền sau đó thì mới yên ổn trong tâm linh, gặp may mắn, hạnh phúc trong đời thường...
Giàng Vinh Minh