Dân Việt

Dự thảo Luật Chăn nuôi: Dân nuôi ong, nuôi dế thì đếm kiểu gì?

Thiên Ngân 07/06/2018 16:47 GMT+7
Chiều nay 7/6, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Chăn nuôi. Hầu hết các đại biểu (ĐB) đều cho rằng việc ban hành Luật này là vô cùng cần thiết nhằm phục vụ quản lý ngành tốt hơn nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần góp ý, bổ sung, chỉnh sửa.

Đếm số lượng vật nuôi thế nào với đàn ong?

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi đánh giá cao nhiều nội dung của dự thảo khi đã có báo cáo đánh giá tác động chính sách, đáp ứng yêu cầu tình hình mới và tạo khung thống nhất về quản lý ngành nông nghiệp nói chung.

Đối với quy định các nông hộ, chủ trang trại khi nuôi con gì phải đăng ký với UBND xã, UBND huyện, việc này tôi cho là rất cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho công tác thống kê, bên cạnh đó người nuôi cũng nắm được thông tin về quy mô tổng đàn, dự báo sản lượng…

"Tuy nhiên, tôi cho rằng cần quy định rõ hơn, nhất là tại khoản 2, điều 40 thực hiện sẽ khó khả thi vì khai báo 1 lần sẽ không chính xác. Ngoài ra, chúng ta sẽ đếm số lượng vật nuôi như thế nào với đàn ong? Do đó dự luật nên quy định cụ thể hơn với từng loài" - bà Thanh nói.

img

Bà Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) góp ý về dự án Luật Chăn nuôi. Ảnh: T.N

Bà Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn ĐB Vĩnh Long) cũng bày tỏ sự nhất trí cao về việc cần xây dựng Luật Chăn nuôi, nhất là vấn đề quy hoạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, sản xuất thức ăn bởi pháp lệnh chăn nuôi trước đây đã lạc hậu, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế và pháp luật hiện hành. Do đó, Quốc hội cần xem xét ban hành luật để quản lý lĩnh vực này hiệu quả hơn.

"Tuy nhiên tôi cũng có một vài góp ý như sau, trước hết là cần tiếp tục rà soát lại văn bản luật pháp liên quan trực tiếp đến vấn đề chăn nuôi vì có một số điều khoản chưa thống nhất với các Luật Đầu tư, Luật Đa dạng sinh học, Luật Ngoại thương… Các hành vi bị cấm quy định tại điều 7, khoản 1 tôi có một số băn khoăn về quy định động vật nuôi trong nội thành, nội thị trừ động vật cảnh… Ban soạn thảo cần giải thích từ ngữ thêm chăn nuôi nhỏ lẻ là thế nào, chăn nuôi không vì mục đích thương mại là ra sao; vậy lại còn chăn nuôi nông hộ là thế nào, có giống chăn nuôi nhỏ lẻ hay không?" - bà Trang nói. 

Cũng theo bà Trang, quy định cấm chăn nuôi trang trại trong khu dân cư là vấn đề đang được xã hội quan tâm, tuy nhiên quá trình triển khai điều này sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD) của người dân hiện nay. Ở đồng bằng, dân cư sống đông đúc, nếu quy định mà không có lộ trình, khả thi hơn thì sẽ rất khó cho các chủ trang trại hiện nay; điều này cần xem xét, quy định diễn giải khả thi, phù hợp.

"Thực tế hiện nay chúng ta quản không được vấn đề này nên cấm, liệu rằng có phù hợp với thực tế hay không, hay chúng ta nên suy nghĩ, tính toán quy định chăn nuôi trong khu dân cư chặt chẽ hơn để đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh… mà người dân vẫn có sinh kế. Đề nghị vấn đề này cần cân nhắc nghiên cứu thêm" - bà Trang nhấn mạnh. 

Làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương

Cũng góp ý về dự thảo Luật Chăn nuôi, đại biểu Lê Thị Thuỷ (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) góp ý: Luật Chăn nuôi là vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy chiến lược chăn nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vừa qua tình hình chăn nuôi biến động rất mạnh, đặc biệt là chăn nuôi lợn, do nhiều lý do nhưng một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa có cơ sở pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ cho bộ máy quản lý, có ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp người dân yên tâm gắn bó với nghề.

img

Bà Lê Thị Thuỷ (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhấn mạnh dự án Luật Chăn nuôi cần làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ NNPTNT, chính quyền địa phương, sở ngành... Ảnh: T.N

"Ngoài các vấn đề quy định về kỹ thuật, tôi cho rằng cần làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, chính quyền tỉnh, xã: Khi xảy ra sự cố phải xem xét trách nhiệm của ai? Khi phải giải cứu nông sản vì dư thừa, thì là trách nhiệm của ai? Hiện nay là không ai cả! Ngoài ra, khi để xảy ra dịch bệnh cũng cần phải quy trách nhiệm của cơ quan quản ý nhà nước, trách nhiệm chính quyền địa phương phải rõ ràng hơn. Xác định rõ trách nhiệm thì các việc khác mới giải quyết tốt hơn được, hiện nay Luật mới quy định chủ yếu ở phần kỹ thuật, còn trách nhiệm vẫn khá chung chung" - bà Thuỷ khẳng định.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Chăn nuôi, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng, quy định điều kiện cơ sở chăn nuôi, cân nhắc vai trò ủy ban các tỉnh trên cơ sở khảo sát đánh giá. Chăn nuôi nông hộ, là khu truồng trại cách nhà ở thì cách bao xa, người dân diện tích đất rất ít, gần nhà chăn nuôi lợn, gà để cải thiện đời sống, quy định như điều 38 thì áp dụng thế nào? Do đó cần tính phương án đối với chăn nuôi nông hộ cho phù hợp, cần đánh giá, khảo sát ý kiến của người dân để quy định hợp lý.

"Bên cạnh đó, quy định biện pháp xử lý mùi hôi để tránh ô nhiễm ra môi trường xung quanh, đại biểu đi tiếp xúc cử tri thấy người dân phản ánh vì ô nhiễm do chăn nuôi, trong khi không tới ngưỡng phạt, thì chúng ta cũng cần tính toán để đảm bảo xử lý vấn đề này.

Ngoài ra, quy định về nơi bảo quản trứng, ấu trùng phải tách biệt với nơi ở, tách biệt thế nào không rõ, không cụ thể nên tính khả thi của điều luật không cao. Quản lý rác thải chăn nuôi, cần bổ sung thêm quy định quy chuẩn quốc gia về chất thải chăn nuôi để có cơ sở xác định rác thải chăn nuôi xử lý" - ĐB Hạnh nói.