Dân Việt

Giá cà phê 40.000 đồng/kg, nông dân vẫn lỗ

05/12/2011 06:32 GMT+7
(Dân Việt) - Đến thời điểm hiện tại hơn 30% diện tích cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã được thu hoạch. Mặc dù giá cà phê đã lên tới 40.000 đồng/kg nhưng người nông dân vẫn lỗ.

“Giăng lưới” tận vườn mua vẫn khó

Mấy ngày qua, giá cà phê liên tục tăng lên từ hơn 36 nghìn/kg đến hơn 40 nghìn/kg, thế nhưng điểm thu mua của chị Nguyễn Thị Sen (thôn 2, xã Ea Ngai, huyện Krong Buk, Đăk Lăk) hoạt động mua bán vẫn diễn ra khá im ắng.

img

Để thuận lợi cho người bán, chị Sen căng bạt thu mua ngay giữa đường. Tuy chỗ này chỉ cách nhà chừng nửa km, nhưng chị Sen làm vậy để người bán đỡ phải lên dốc. Dù vậy, cách “đón lõng” này của chị xem ra vẫn không hiệu quả.

Từ chỗ chị Sen, rẽ qua con đường đất vào rẫy cà phê, bà Lê Thị Tuyền, cùng thôn cũng dùng cách “đón lõng” ngay tại rẫy để thu mua cà phê. Dù mua bằng giá thị trường, lại đến tận nơi để mua, nhưng kết quả mỗi ngày bà Tuyền cũng chỉ mua được vài chục kg cà phê tươi.

Theo bà Tuyền, năm nay người dân chỉ bán cà phê một cách nhỏ giọt chứ không ồ ạt như mọi năm. Đa số họ chỉ bán để lấy tiền sinh hoạt trong ngày, hôm sau lại bán tiếp chứ không bán một lúc. Tại đại lý thu mua Hà Lãm, ở thị trấn Pơng Đrang, huyện Krông Buk, từ đầu vụ đến nay cũng chỉ mua được vài chục tấn cà phê.

Chị Hà - chủ đại lý này cho hay: “So với năm ngoái, giá cà phê hiện tại đã cao hơn khoảng 10 triệu đồng/tấn, song nông dân vẫn bán rất cầm chừng. Nếu các năm trước đến thời điểm này tôi đã mua được vài trăm tấn cà phê thì năm nay chỉ mới mua được vài chục tấn, dù đã cho người “lùng” đến tận vườn”. Quan sát tại đại lý Hà Lãm, thi thoảng lại có vài người đến bán, song lượng cà phê họ mang đến hầu hết không quá 1 tạ.

40.000 đồng/kg chưa phải giá cao

Anh Bùi Văn Long (thôn 2 thị trấn Pơng Drang), cho biết: Với mức giá hiện tại, 40 nghìn đồng/kg, nếu bán thì gần như nông dân bị lỗ, vì năm nay chi phí nhân công, phân bón, điện, nước và cả giá nhân công đều cao hơn nhiều so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Dũng (tổ 2, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông) cũng cho rằng: Nếu bán cà phê với mức giá hiện tại thì dân gần như không có lãi.

Ông Dũng tính: “1ha cà phê ở Đăk Nông trung bình đầu tư từ 30-40 triệu đồng (chưa kể công chăm sóc, thu hái). Sản lượng cà phê trung bình ở đây chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha. Nếu bán ở mức giá 40 nghìn đồng/kg, trừ tiền đầu tư, dân còn 80-90 triệu. Số tiền này chắc chắn không đủ trả tiền công mà họ bỏ ra suốt một năm trời. Nếu không có thêm các thu nhập khác, dân đói chắc”.

Chị Nguyễn Thị Hiệp (ở Cư Kuin, Đăk Lăk) cho biết: “Gia đình đang rất cần tiền để trả ngân hàng, song nếu bán cà phê vào thời điểm này thì công sức lao động một năm trời xem như đổ sông đổ bể.

Cũng như ông Dũng, anh Nguyễn Văn Long, chị Nguyễn Thị Hiệp (ở Cư Kuin, Đăk Lăk) cho biết: “Gia đình đang rất cần tiền để trả ngân hàng, song nếu bán cà phê vào thời điểm này thì công sức lao động một năm trời xem như đổ sông đổ bể. Vì vậy gia đình tôi chỉ bán một lượng nhỏ để chi phí cho mùa thu hoạch”.

Một nguyên nhân khác khiến hoạt động mua bán cà phê diễn ra khá ảm đạm đó là hầu hết nông dân đã rút được kinh nghiệm từ những năm trước. Thường khi vào vụ, nông dân đều ồ ạt bán cà phê. Điều này khiến thương lái “được nước” ép giá. Đến khi nông dân không còn gì để bán thì giá lại tăng lên vùn vụt. Kết quả là, công sức của dân cuối cùng đổ tất cả vào túi tư thương.

Theo ông Lê Đức Thống - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đăk Lăk (doanh nghiệp thu mua cà phê mạnh nhất Tây Nguyên), hiện đơn vị ông cũng chỉ mới thu mua được khoảng trên dưới 10 nghìn tấn cà phê. Trong khi đó hệ thống “chân rết” của đơn vị này thâm nhập rất sâu vào các địa phương.