Dân Việt

Triết lý của hai lão nông Vân Kiều dành cả đời để trồng rừng

Phan Phương 14/06/2018 19:23 GMT+7
Trong khi nhiều người trồng rừng để bán lấy gỗ làm giàu, hai lão nông người Vân Kiều, Hồ Khay và Hồ Râng, ở bản Nước Đắng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh lại có cùng một suy nghĩ là muốn giữ lại cho đời sau một cánh rừng tự nhiên. Cái triết lý nghe có vẻ rất giản đơn nhưng cả hai ông phải dành ra gần cả cuộc đời để thực hiện…

Hơn 20 năm cần mẫn trồng rừng

Cả hai lão nông người Vân Kiều, Hồ Khay và Hồ Râng, năm nay đều đã bước qua cái tuổi 60 nhưng vẫn khỏe mạnh, sung sức như cây lim, cây táu trên rừng. Hàng ngày, người Vân Kiều ở bản Nước Đắng (xã Trường Sơn) vẫn thấy hai ông miệt mài với việc trồng và chăm sóc khu rừng của mình.

img

Ông Hồ Râng bên rừng huỵnh cao hàng chục mét mà hơn 20 năm qua ông cần mẫn trồng, chăm sóc.

Hai khu rừng liền kề của 2 lão nông Hồ Khay và Hồ Râng rộng hơn 20ha xanh ngút tầm mắt, trong đó có hàng trăm cây rừng bản địa quý hiếm, như: huỵnh, lim, huê…với tuổi đời trên 20 năm đứng sừng sững bên dòng sông Long Đại...

Hồ Khay (63 tuổi) là người Vân Kiều có quê gốc ở tận bên nước bạn Lào. Trước khi về định cư ở bản Nước Đắng, Hồ Khay đã có một thời gian dài theo bố mẹ sống du canh du cư khắp núi rừng Trường Sơn. Còn Hồ Râng là người Vân Kiều quê ở huyện Gio Linh (Quảng Trị). Năm 1968, chiến tranh ác liệt, ông theo bố mẹ sơ tán ra đất Quảng Bình và cũng về định cư ở bản Nước Đắng, cạnh nhà của Hồ Khay.

Theo lời Hồ Khay và Hồ Râng, với người Vân Kiều, rừng không chỉ cho họ cái ăn, cái mặc, cho họ gỗ để làm những ngôi nhà sàn vững chắc khi đang sống mà cả khi chết đi rừng cũng là nơi che chở cho những linh hồn quá cố của người Vân Kiều. Bao năm theo bố mẹ sống du canh du canh cư hết nơi này đến nơi khác, hơn ai hết, Hồ Khay và Hồ Râng hiểu rất rõ giá trị của rừng.

Thế nhưng, cũng chính trong cuộc sống du canh du cư, vì mưu sinh cuộc sống mà hàng ngày gia đình các ông cũng như những người đồng bào của mình đã phải chặt gỗ rừng để làm nhà, đốt hết khoảnh rừng này đến khoảnh rừng khác để lấy đất làm rẫy. Rồi vì cây gỗ rừng có giá trị kinh tế cũng đã thu hút những người Kinh từ dưới đồng bằng lên khai thác trái phép để bán.

Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, những khu rừng bạt ngàn trên dãy Trường Sơn tưởng chừng như bất tận đã bị khai thác đến kiệt quệ. Chứng kiến cảnh ấy, cái bụng của những người Vân Kiều yêu rừng như Hồ Khay, Hồ Râng không khi nào được yên. Rừng cứ bị chặt phá như thế, rồi có khi đến thế hệ con cháu của Hồ Khay, Hồ Râng không chỉ không còn lấy đâu ra gỗ để dựng một nếp nhà mà nhiều loại cây rừng, muông thú vốn thân thiết với người Vân Kiều trước đây, nay họ không còn có cơ hội được nhìn thấy nữa.

“Hơn 20 năm chăm chỉ tìm giống cây rừng về trồng, chăm sóc cho hắn sống, hắn phát triển như hôm ni; cũng nhiều khi gia đình không có gạo để ăn, nhưng chưa khi mô, miềng nghĩ đến chuyện chặt những cây gỗ rừng trồng được để bán mô.

Thời gian tới, miềng đang có ý định phát những khoảnh rừng đang sở hữu để trồng tiếp những cây gỗ rừng, như: lim, huỵnh, còn sức khỏe thì tiếp tục trồng thôi…”, ông Hồ Râng tâm sự.

Suy nghĩ như thế, nên khi được Nhà nước vận động sống định canh, định cư ở bản Nước Đắng (xã Trường Sơn), đồng thời giao đất cho đồng bào sản xuất, hai ông vui như được mở cờ trong bụng; bởi đây là cơ hội để cho hai ông thực hiện một ước nguyện được giấu kín mà lâu nay không làm được vì không có đất.

Thế nên, trong khi những người dân ở bản Nước Đắng và các bản khác trong xã Trường Sơn trồng rừng kinh tế bằng các loại giống keo, tràm, bạch đàn, thì Hồ Khay và Hồ Râng không ai bảo ai nhưng cùng chung một suy nghĩ là vào rừng tìm những giống cây bản địa, như: huỵnh, lim, huê…bứng về trồng trong vườn rừng của gia đình.

Thế là, trong suốt nhiều năm sau đó, cứ đến mùa mưa, người dân bản Nước Đắng lại thấy Hồ Khay và Hồ Râng lầm lũi mang gùi vào rừng tìm giống cây rừng. Những cây lim, cây huỵnh… nhỏ bé nép mình dưới những tán rừng được Hồ Khay và Hồ Râng cẩn thận bứng về trồng.

Năm này qua năm khác, hai lão nông Vân Kiều Hồ Khay và Hồ Râng hết đạp rừng tìm cây giống thì đến bới đất trồng cây, lại oằn lưng xuống sông Long Đại gùi từng thùng nước để tưới cây. Trúng thời tiết tốt thì trồng 10 cây có thể sống được 5 cây, nhưng gặp trời nắng hạn có khi chẳng sống được cây nào.

Thế nhưng, chưa bao giờ Hồ Khay và Hồ Râng thấy nản lòng, mỗi cái cây đâm chồi, là động lực để các ông trồng những cây tiếp theo. Cứ thế, hơn 20 năm cần mẫn, khi những tán cây khép lại thành rừng thì cũng là lúc tóc hai ông đã điểm bạc…

“Gia tài” để lại cho mai sau

Hồ Khay và Hồ Râng dẫn chúng tôi thăm khu rừng của gia đình. Theo chân hai ông, chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây rừng thẳng tắp cao hàng chục mét, xanh ngút tầm mắt.

Hồ Khay cho biết, trong khu rừng rộng hơn 10ha của ông hiện có hơn 600 cây huỵnh, 600 cây lim và nhiều giống cây rừng bản địa quý hiếm khác. Trong khi đó, vườn Hồ Râng cũng có trên 300 cây huỵnh; trong đó có những cây huỵnh cao hơn hàng chục mét, đường kính trên 50cm, nếu khai thác gỗ đã cho trên 5m3 gỗ. 

Thấy những cây gỗ như thế, chúng tôi hỏi hai ông sao không chặt gỗ mà bán vì gỗ đang có giá. Không ai bảo ai, cả hai ông đều đồng thanh nêu suy nghĩ: “Miềng không bán mô; cũng chưa từng nghĩ miềng trồng những cây gỗ rừng này để bán. Miềng vẫn biết, trồng cây keo, bạch đàn mau cho thu hoạch, có tiền nhưng khi khai thác nó lại thành đồi trọc, mưa xuống đất lại bị xói, nước mưa làm những cơn lũ quét nguy hiểm lắm, như năm 1992, lũ quét đã cuốn trôi hàng chục người đồng bào của miềng xuống dòng Long Đại…

img

Ông Hồ Râng (bìa phải) và Hồ Khay (thứ 2 bên phải) đang trao đổi về kỹ thuật trồng cây rừng bản địa với cán bộ kiểm lâm Quảng Ninh.

Miềng trồng các loại giống cây của rừng như rứa là muốn giữ lại cho đời sau một khu rừng tự nhiên. Đó là những khu rừng có thể giữ được môi trường và muốn các thế hệ con cháu người Vân Kiều sau này vẫn biết được những giống cây quý như cây lim, cây huỵnh, cây táu…Đó là “gia tài” mà miềng muốn để lại cho mai sau! ”

Vâng, trồng rừng không phải để bán mà muốn để lại cho mai sau, một triết lý mới nghe tưởng chừng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng nghĩ và làm được như hai lão nông người Vân Kiều Hồ Khay và Hồ Râng .

Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn đánh giá: “Hồ Khay và Hồ Râng không chỉ là những người có suy nghĩ về trồng rừng rất tiến bộ, hai ông đều là người có uy tính trong các bản làng và cộng đồng người Vân Kiều ở xã Trường Sơn. Ông Hồ Râng được dân bản tín nhiệm bầu làm Phó bản Nước Đắng, còn ông Hồ Khay là một nông dân sản xuất giỏi, chăm chỉ làm ăn”.

Tuy không khai thác gỗ rừng để bán, nhiều năm qua, gia đình của hai ông Hồ Khay và Hồ Râng vẫn là những hộ gia đình có kinh tế vững vàng nhất bản Nước Đắng. Ngoài việc trồng rừng, gia đình hai ông còn trồng ngô, lạc, cây ăn quả và đặc biệt là chăn nuôi trâu bò rất giỏi. Hiện tại, gia đình ông Hồ Khay có 8 con trâu, bò, còn gia đình ông Hồ Râng cũng có 6 con trâu, bò.

Ngoài ra, những sản phẩm phụ từ khu rừng, như: mây, dứa, cây dược liệu…mà hai ông trồng, khoanh nuôi, chăm sóc mỗi năm cũng đưa về nguồn thu hàng chục triệu đồng; con cháu hai ông đều được chăm lo, học hành đàng hoàng…