Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết sách hướng dẫn của các hãng điện thoại lớn đều có cảnh báo người sử dụng phải tắt thiết bị khi ở những nơi có nhiên liệu, hóa chất.
PGS.TS Lê Tiến Thường, bộ môn viễn thông Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), cho biết xung quanh trạm xăng luôn có hơi xăng có thể biến thành khí gas. Ở những vùng đó có thể có những ion tích điện.
Trong khi đó điện thoại di động có hai băng sóng hoạt động là 800-900MHz và 1.800-1.900MHz. Khi người dùng kích hoạt kết nối điện thoại với trạm phát sóng điện thoại di động (các trạm BTS), công suất phát sóng của điện thoại sẽ tăng vọt so với trạng thái tĩnh (chờ cuộc gọi). Chính ngay lúc tăng mạnh công suất nếu rơi vào hiện tượng cộng hưởng điện từ và tương tác điện từ có thể gây kích nổ tạo ra những tia lửa vào hơi xăng gas, vì vậy sẽ gây cháy nổ điện thoại.
PGS.TS Lê Tiến Thường cho biết xác suất gây cháy nổ do công suất phát sóng tăng đột ngột là rất nhỏ bé bởi thực tế còn tùy thuộc nhiều yếu tố như thời tiết, môi trường thoáng khí, gió... Những yếu tố đó có thể làm vùng hơi xăng loãng đi hoặc tiêu tan, bay đi nơi khác... Tuy nhiên, ông Thường vẫn cảnh báo: mặc dù xác suất rất bé nhưng nếu rơi vào tình huống như đã nói ở trên thì hoàn toàn có thể xảy ra cháy nổ, vì vậy vẫn phải rất nên cẩn thận.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thiện Bàng - phó giám đốc kỹ thuật Vinaphone, từ trước đến nay chỉ có hai nguyên nhân thường gây nổ điện thoại: một là do pin và hai là điện thoại dùng để kích nổ bom mìn. Ngoài nguyên nhân bom mìn, thông thường điện thoại nổ do pin trong điện thoại đã sử dụng quá lâu. Khi đó, pin có thể phát nổ do tăng nhiệt hoặc khi cắm điện sạc pin.
Ông Ngô Dương Trần Phương, giám đốc trung tâm bảo hành Công ty Viễn Thông A, cũng khẳng định nguyên nhân gây cháy nổ điện thoại chủ yếu xuất phát từ chất lượng pin kém, pin hỏng.