Công ty TNHH Công nghiệp Hải Bình tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân dây đai Chí Thành, có địa chỉ ở xóm Làng Giai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) được chuyển nhượng và bàn giao lại vào tháng 6 năm 2017. Lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính là xử lý và tận thu các sản phẩm từ rác thải rắn công nghiệp, cụ thể là dùng công nghệ nhiệt phân để triết suất dầu D.O từ lốp thải của ô tô.
Hoạt động sản xuất của Công ty Hải Bình bị đình trệ.
Ông Nguyễn Đình Lộc - Phó giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty cho biết: Với dây chuyền và công nghệ mà công ty đã lắp đăt hiện nay, mỗi ngày một lò đốt của công ty có thể xử lý được từ 3 cho đến 3,2 tấn lốp ô tô thải các loại và sau khi đốt sẽ thu lại được ba sản phẩm chính đó là dầu D.O, bột các-bon (xỉ than) và thép phế liệu. Tất cả những sản phẩm này đều là nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất khác.
Hơn nữa, dây chuyền và công nghệ để chiết xuất dầu D.O là dây chuyền công nghệ khép kín, tất cả những gì sản sinh trong quá trình sản xuất đều được tận thu một cách triệt để, có thể nói gần như không có một loại chất thải nào được thải ra môi trường ngoại trừ khí nóng trong quá trình đốt với đường ống dẫn cao trên 10m. Do vậy, vấn đề ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là rất hạn chế.
Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực được khuyến khích, song trong quá trình sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp này lại thường xuyên bị đình chỉ bởi những rào cản pháp lý của các cơ quan chức năng trước những phản ánh từ phía dư luận. Trên thực tế, trước khi chuyển nhượng cho Công ty Hải Bình, vì một nguyên nhân nào đó trong quá trình sản xuất kinh doanh, Doanh nghiệp tư nhân dây đai Chí Thành đã để xảy ra 3 sự cố về môi trường.
Tuy nhiên, ngay cả khi sự cố này xảy ra thì phạm vi ảnh hưởng vẫn ở ngưỡng cho phép. Bởi theo những tài liệu mà phóng viên Báo Nông thôn ngày nay thu thập được trong đó có kết quả đo, phân tích của Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên) cho thấy, tất cả các chỉ số mẫu đo phân tích đều nằm trong ngưỡng mẫu đo cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Từ kết quả này cho thấy, với điều kiện sản xuất bình thường thì phạm vi và mức độ ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình sản xuất của Công ty Hải Bình là rất hạn chế. Theo ông Trần Quốc Bình (Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Hải Bình), mặc dù các chỉ số đo quan trắc đều trong ngưỡng cho phép, nhưng trước sự phản ánh thiếu tích cực từ phía dư luận mà các cơ quan chức năng lại yêu cầu doanh nghiệp phải dừng sản xuất thì đây quả thực là một câu chuyện buồn.
Bởi việc dừng sản xuất như hiện nay không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích kinh tế cũng như uy tín của doanh nghiệp, mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của rất nhiều anh em công nhân đang làm việc tại Công ty.
Khu vực sản xuất của Công ty nằm cách xa khu dân cư.
Cũng theo ông Bình, hiện nay Công ty đã cho xây dựng và hoàn tất các hạng mục công trình theo đề án bảo vệ môi trường như yêu cầu của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Võ Nhai và đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng về việc hoàn thiện các hạng mục công trình nói trên, song cho đến nay Công ty vẫn chưa nhận được một sự phúc đáp nào từ phía các cơ quan này.
“Nếu như tình trạng này còn kéo dài thì nguy cơ công ty bị phá sản là rất cao” – ông Bình nói.
Anh Nguyễn Thu Đức, một trong số rất nhiều công nhân đang làm việc tại xưởng chiết dầu D.O Hải Bình, cho biết: “Việc Công ty dừng hoạt động đã làm cho bản thân tôi cùng gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ mong các cơ quan chức năng sớm cho Công ty hoạt động trở lại, có công ăn việc làm để cho gia đình tôi bớt khó khăn”.
Trước những mong muốn của Công ty TNHH Công nghiệp Hải Bình cũng như của người lao động đang làm việc tại đây, đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên khẩn trương kiểm tra kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường của đơn vị này, nếu đáp ứng yêu cầu thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động.
Tại buổi làm việc với PV Dân Việt, ông Chu Thế Minh - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Võ Nhai, cho biết: Ngay sau khi Công ty để xảy ra sự cố, nhận được tin báo của nhân dân, phòng Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo huyện đã xuống kiểm tra hiện trường, đồng thời huyện cũng đã mời Trung tâm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh lên lấy mẫu tại thực địa. Kết quả báo cáo của Trung tâm này cho thấy: Tái cả các mẫu được lấy để đem đi phân tích đều nằm trong ngưỡng cho phép so với mẫu đo tiêu chuẩn Việt Nam. Hơn nữa xưởng sản xuất dầu D.O của Công ty Hải Bình nằm rất xa khu dân cư, bốn bên bao bọc là núi nên nên mức độ ảnh hưởng của khói bụi đến với sức khỏe của người dân theo đó cũng phần nào hạn chế. Song, để đảm bảo yếu tố về môi trường của xưởng sản xuất dầu D.O nói trên, Phòng đã có báo cáo gửi lãnh đạo huyện đồng thời yêu cầu phía Công ty Hải Bình cần sớm triển khai và hoàn thiện các hạng mục công trình bảo vệ môi trường theo đề án đã cam kết trước đó. |