"Chiếm dụng" hàng chục tỷ đồng?
Đứng đơn đại diện cho nhiều hộ dân xủa xã Đông Kết, bà Đỗ Thị Ngãi (xã Đông Kết, Khoái Châu) cho biết, người dân nơi đây đang bị Công ty Cổ phần xây dựng Huy Phát (Cty Huy Phát, địa chỉ tại thôn Tiểu Quan, Phùng Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên) – Chủ đầu tư dự án Nhà máy nước sạch xã Dạ Trạch và vùng lân cận huyện Khoái Châu, chiếm dụng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng từ việc thu phí lắp đặt đồng hồ trái quy định.
Cụ thể, theo phản ánh, Cty Huy Phát là chủ đầu tư của dự án nước sạch đang cung cấp nước trên địa bàn xã Đông Kết. Đơn vị này đã tiến hành thi công đấu nối, lắp đặt cụm đồng hồ và đang vận hành sản xuất ra nước sạch, cơ bản cấp nước tới các xã trong vùng dự án.
Sau khi hoàn thiện các hạng mục trên, Cty Huy Phát đi đến từng hộ dân ký hợp đồng dịch vụ cấp nước và thu 2,8 triệu đồng/hộ tiền phí lắp đặt một cụm đồng hồ. Công ty này còn đưa ra thông báo bằng văn bản nếu các hộ dân không đóng tiền trong năm 2017, đến đầu năm 2018, giá lắp đặt một cụm đồng hồ nước sạch sẽ tăng lên 3,8 triệu đồng.
“Chúng tôi nhận thấy hành vi thu tiền phí lắp đặt đồng hồ nước sạch của dân mà Cty Huy Phát là trái với quy định được trong Nghị Định 117/2007/NĐ-CP ngày 11.7.2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch” – đơn cầu cứu nêu.
Người dân làm đơn "tố" Cty Huy Phát, cho rằng công ty này đã chiếm đoạt tiền tỷ của dân với việc lắp đặt đồng hồ nước.
Theo tính toán của người dân, xã Đông Kết có khoảng 3000 hộ, hiện tại có đến 90% các gia đình chấp nhận nộp tiền phí để được sử dụng nước sạch. Các hộ dân cũng đã nhiều lần kiến nghị và thắc mắc với công ty nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Trao đổi với PV, bà Ngãi nhận định, chủ đầu tư dự án nước sạch đang không tuân thủ theo quy định trong Nghị định 117 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
Vị đại diện này cho biết, vào năm 2017 gia đình bà nhận được thông báo từ trưởng xóm 23 rằng những gia đình nào sử dụng nước sạch thì tạm ứng 100 nghìn. Sau đó khi đường ống nước được lắp đặt xong, phía công ty thu mỗi nhà 2,8 triệu đồng.
Lúc này người dân mới nhận được “Hợp đồng dịch vụ cấp nước” từ phía công ty. Tại thời điểm đó, phía Cty Huy Phát không đề cập tới việc tạm ứng tiền của dân hay một vấn đề cụ thể nào khác, người dân chỉ biết đây là thu tiền lắp đặt một cụm đồng hồ nước sạch.
Khi nhận thấy có vấn đề, bà Ngãi đã làm đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
“Tôi đề nghị Cty Huy Phát làm đúng quy định của pháp luật, trả lại số tiền đã thu sai cho chúng tôi” – bà Ngãi nói.
Người dân xã Đông Kết phản ánh, việc chủ đầu tư thu tiền phí lắp đặt cụm đồng hồ nước sạch với dân là sai quy định.
Gia đình ông Đỗ Đình Cờ (Đông Kết, Khoái Châu) cũng là một trong nhiều hộ dân lâm vào tình trạng tương tự. Ông Cờ cho biết, ông cũng phải nộp 2,8 triệu đồng tiền phí lắp đặt đồng hồ cho Cty Huy Phát và cũng mong muốn được nhận lại số tiền đã nộp.
Với gia đình bà Đỗ Thị Hậu (Đông Kết, Khoái Châu), vì không có tiền đóng phí lắp đặt đồng hồ nên gia đình này chưa được sử dụng nước sạch. Bà Hậu cho biết, nếu vẫn phải đóng 2,8 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ mới được cung cấp nước sạch, gia đình bà quyết không đóng, chấp nhận dùng nước chưa đủ tiêu chuẩn.
Cũng phản ánh tới PV, ông Lê Văn Sơn (Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, Cty Huy Phát đã lợi dụng sự nhận thức hạn chế của người dân, công ty đã có những hành động vi phạm pháp luật.
“Thế này khác nào chúng tôi sắm “cần câu” cho doanh nghiệp, doanh nghiệp “câu cá” xong lại “bán cá” cho người dân” – ông Sơn nêu quan điểm
Không trả lại tiền đã nộp
Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Cty Huy Phát nhằm tìm hiểu thực hư vấn đề. Trao đổi với PV, ông Đỗ Bá Đạt – Giám đốc Cty Huy Phát cho biết, dự án nước sạch do công ty này làm chủ đầu tư được triển khai trên địa bàn 10 xã ở huyện Khoái Châu, khởi công từ tháng 8.2016, đến tháng 7.2017 bắt đầu lắp đặt đồng hồ cho các hộ dân.
Hiện tại, có khoảng 5000 hộ dân đã được lắp nước sạch, riêng ở xã Đông Kết là khoảng 1000 hộ. Với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ, ở xã Đông Kết khoảng 30 tỷ, dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 12 đến 15 năm.
Ông Đạt xác nhận số tiền người dân phải đóng phí lắp đặt đồng hồ là 2,8 triệu đồng và khẳng định có căn cứ pháp lý đầy đủ, đạt được thỏa thuận với người dân.
Theo vị giám đốc này, do nhận thức của người dân không đầy đủ về việc triển khai thực hiện dự án nước sạch nông thôn nên đã xảy ra sự việc.
Theo đại diện chủ đầu tư dự án, sẽ không có việc trả lại tiền vì đơn vị này có đủ căn cứ pháp lý và đã đạt được thỏa thuận với người dân?
Về việc người dân nói cảm giác bị lừa khi công ty yêu cầu đóng tiền thì mới được sử dụng nước sạch, Giám đốc Đỗ Bá Đạt cho biết, quyền lợi giữa các bên phải hài hòa. Vị này viện dẫn, theo quy định được Thủ tướng Chính phủ năm 2009 về huy động vốn, việc này được huy động qua mọi thành phần tổ chức, cá nhân hay cộng đồng để xã hội hóa quá trình nước sạch nông thôn.
“Nếu tôi đầu tư khoảng 3 triệu/cụm đồng hồ, chi phí này sẽ được tính vào tổng chi phí của nhà máy, được phân bổ vào giá sản xuất nước. Từ đó sẽ không có giá như hiện tại” – chủ đầu tư dự án nước sạch nói.
Theo lãnh đạo Cty Huy Phát, giá nước hiện tại công ty cung cấp là 6,8 nghìn đồng/m3, theo mặt bằng chung là rẻ.
Trước đề nghị trả lại số tiền đã thu sai quy định của người dân, ông Đạt cho rằng, khi một giao dịch trên tinh thần thỏa thuận thì việc đòi và trả lại khác nhau, công ty không có nghĩa vụ trả lại.
“Trong dự án được phê duyệt, công ty xây dựng nhà máy, đường ống. Phía khách hàng lo chi phí sử dụng đồng hồ” – đại diện chủ đầu tư dự án Nhà máy nước sạch xã Dạ Trạch và vùng lân cận huyện Khoái Châu nói.
Giám đốc Cty Huy Phát cho rằng Công ty không có nghĩa vụ trả lại tiền cho người dân vì giao dịch đã được thực hiện trên tinh thần thỏa thuận.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, tại buổi hội nghị tuyên truyền về lắp nước sạch tại địa bàn xã Đông Kết, phía công ty không nói rõ cho người dân biết, nếu người dân đóng 2,8 triệu đồng thì giá nước sẽ được giảm hay cụ thể như thế nào.
Được biết, dự kiến trong tuần này các đơn vị liên quan sẽ có buổi làm việc với các xã được cấp nước, các hộ dân khiếu nại tại huyện Khoái Châu. Tại đây, Công ty Huy Phát sẽ đối thoại để giải thích cho người dân.
Giám đốc công ty này cũng đưa ra các phương án để giải quyết thắc mắc của người dân. Cụ thể, phương án được đưa ra là: tiền đã thu của người dân sẽ được trừ dần vào hóa đơn nước hàng tháng (cụ thể là tháng 6) với tất cả các gia đình, nhưng khi đó, giá nước sẽ cao hơn.
Tuy nhiên người dân đặt câu hỏi, nếu không có những phản ánh, nghi vấn "chiếm dụng" tiền đóng đồng hồ nước, Cty Huy Phát có “xuống nước” để đề xuất ra phương án “trừ tiền dần vào hóa đơn nước hàng tháng”, hay cứ lẳng lặng thu tiền đến mười mấy năm để hoàn vốn theo dự kiến?
Nếu không có các văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tại cuộc họp về đấu nối đồng hồ cấp nước, phương án giá nước, chuyển nhượng các công trình cấp nước và hỗ trợ hộ nghèo đấu nối, sử dụng nước sạch vào tháng 4 - 5.2018, Công ty Huy Phát sẽ tiếp tục thực hiện như hiện nay. Khi đó, 5000 hộ dân đã lắp đặt nước sạch và hàng nghìn gia đình dự kiến sẽ lắp đặt khác ở 10 xã của vùng dự án có thể chịu thiệt thòi.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự việc này.