Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan này đang quyết liệt xử lý các tồn đọng trong kinh doanh, thoái vốn ở Tổng công ty Cổ phần bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco), trong đó then chốt là vấn đề nhân sự.
Có thể thoái vốn tiếp trong 2018Ông Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đang tích cực chỉ đạo doanh nghiệp thoái vốn tại Habeco là thực hiện lộ trình riêng theo quyết định của Chính phủ.
“Chính phủ yêu cầu Bộ có Ban chỉ đạo. Tuy nhiên, hoạt động cụ thể thì doanh nghiệp phải trực tiếp triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo đó, Bộ đã chỉ đạo doanh nghiệp tích cực làm việc với các đối tác liên quan, nhất là đối tác nước ngoài. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng “nếu tích cực thì trong năm 2018 này, việc thoái vốn vẫn có thể được thực hiện”.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương không loại trừ những yếu tố không lường trước của quá trình đàm phán với các đối tác.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của Habeco khó khăn, Bộ trưởng cho biết Bộ “đang quyết liệt xử lý các tồn đọng”.
Ông chỉ rõ “yếu tố đầu tiên, then chốt nhất vẫn là yếu tố con người. Người đứng đầu rất quan trọng, không chỉ là chịu trách nhiệm trước pháp luật mà có những chiến lược đầu tư kinh doanh có hiệu quả cũng như khắc phục những tồn tại".
Thời gian qua, tại Habeco có một số vấn đề có vi phạm, thậm chí là sai phạm pháp luật, Bộ Công Thương đang chỉ đạo tổ chức kiểm tra và trên cơ sở xác định vi phạm thì sẽ xử lý.
“Trước mắt, chúng tôi lập tức triển khai ngay công tác nhân sự để làm sao nhân sự thay thế đảm bảo cho năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp vừa thực hiện việc bán vốn, vừa đảm bảo khôi phục kinh doanh có hiệu quả”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Quyết liệt chỉ đạo bán vốn nhà nướcBộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thông tin việc cơ quan này đang quyết liệt chỉ đạo việc thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp ngành điện, dầu khí, than - khoáng sản. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã IPO thành công như PV Power, PV Oil; một số đơn vị khác chưa thành công nhưng đã tạo được tiền đề, có quy trình phù hợp để thoái vốn, bán vốn nhà nước.
Căn cứ tính chất mức độ các đề án, Bộ sẽ triển khai thoái vốn, bán vốn ở các doanh nghiệp ngành điện, dầu khí, than - khoáng sản. Đây là các bước cần thiết để thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Kiểm toán chỉ ra nhiều sai phạm tại HabecoTrong Báo cáo kiểm toán phát hành ngày 6.2, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều nhiều thiếu sót và sai phạm trong quản lý và sử dụng vốn, chính sách giá mua bia, chính sách tiêu thụ sản phẩm... tại Habeco.
Cụ thể, Habeco đã không thực hiện mua nguyên vật liệu chính thông qua đấu thầu mà thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho lô hàng trên 5 tỷ đồng.
Habeco cũng không tổ chức đấu thầu mua nguyên liệu malt, chỉ chào hàng hạn chế, sau đó chọn giá chào thấp nhất để làm giá mua, số lượng mua không dành toàn bộ cho nhà cung cấp có giá thấp nhất mà phân bổ cho nhiều nhà cung cấp theo giá thấp nhất.
Trong phân bổ sản lượng bia Hà Nội gia công cho các đơn vị thành viên, về nguyên tắc, Habeco thực hiện dựa trên kế hoạch tiêu thụ tại các khu vực, năng lực sản xuất, thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của năm trước… Trên thực tế, Habeco chưa có tài liệu thuyết minh việc phân bổ này.
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện việc phân bổ chỉ tiêu sản xuất cho các đơn vị thành viên của Habeco có sự khác biệt rất lớn giữa năng lực sản xuất với sản lượng được phân bổ.
Về chính sách giá mua bia của công ty mẹ đối với các công ty con, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng Habeco chưa có sự liên hệ giữa giá mua với giá thành hay lợi nhuận của nhà sản xuất, việc xác định giá mua đều dựa trên cơ sở giá mua của năm trước được điều chỉnh theo yếu tố thuế hoặc giá đầu ra.
Về chính sách tiêu thụ sản phẩm, công ty mẹ Habeco ban hành giá bán các sản phẩm cho Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco và Công ty Cổ phần thương mại bia Habeco và chỉ đạo giá bán ra thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện vẫn còn nhiều thiếu sót.
Bộ Công Thương thay chủ tịch tại Habeco Theo dự kiến, trong đại hội cổ đông của Habeco giữa tháng 6, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) hiện tại là ông Đỗ Xuân Hạ sẽ nghỉ hưu sớm dù còn 2 năm công tác nữa. Vị trí chủ tịch mới đồng thời là người đại diện vốn của Bộ Công Thương dự kiến là ông Trần Đình Thanh. Ông Trần Đình Thanh sinh năm 1969, có bằng tiến sĩ hóa học và thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông Thanh đã từng nắm giữ các chức vụ quan trọng tại các công ty con của Habeco. Ông từng là Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư phát triển công nghệ bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bia - rượu - nước giải khát Hà Nội - Quảng Ninh. Ông Thanh là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Habeco. Quyết định thay đổi nhân sự này đã được Bộ Công Thương ủng hộ. |