Bán mía nhận… đường, cầm sổ đỏ
Nhiều nông dân và thương lái ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (Long An) đang dở khóc dở cười vì Nhà máy Đường Nivl không còn khả năng chi trả khoản nợ lên đến 100 tỷ đồng tiền thu mua mía nguyên liệu. Không còn cách nào khác, họ đành phải lấy đường để… trừ nợ.
Ngành mía đường cần tái cơ cấu sản xuất. Ảnh: T.L
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (gọi tắt là ATIGA) ký kết năm 2009 giữa 10 nước ASEAN, từ năm 2018 trở đi sản phẩm đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam mặc dù vẫn chịu thuế nhập khẩu 5%. |
Một thương lái ở xã Lương Hòa cho biết, nhà máy còn nợ anh hơn 8 tỷ đồng tiền mía nguyên liệu, giờ họ không thể trả được, anh đành phải thuê kho, thuê công nhân vận chuyển hơn 30 tấn đường từ nhà máy với giá quy đổi 12.000 – 13.000 đồng/kg.
Tương tự, ông Nguyễn Hiền, có khoảng 1ha mía ở xã Lương Hòa, cũng phải nhận hơn 300 tấn đường từ Nivl để trừ khoản nợ khổng lồ từ việc mua mía nguyên liệu. Điều đáng nói là, do Công ty CP Nivl nợ tiền thuế đến 110 tỷ đồng, không có khả năng chi trả, Cục Thuế Long An bắt buộc phải ngừng cung cấp hóa đơn, biên lai nên những người nhận đường trừ nợ cũng chỉ biết bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa, quán ăn với giá bèo bọt, 9.000 – 10.000 đồng/kg.
Trong khi đó, một thương lái ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) cũng phải ngậm ngùi nhận tới 69 cuốn sổ đỏ của nông dân đã từng vay mượn tiền của bà để trồng mía. Được biết, bà cho 400 hộ trên địa bàn vay 30 tỷ đồng để trồng mía nhưng năm nay giá mía nguyên liệu xuống quá thấp nên nhiều người không có khả năng chi trả, đành phải gán sổ đỏ.
Thực tế, sự bi đát của ngành mía đường đã được nhìn thấy từ đầu năm 2018 khi giá mía nguyên liệu liên tục sụt giảm khiến nông dân lao đao. Khắp các vùng nguyên liệu, nông dân đều than trời vì giá mía giảm, có thời điểm chỉ còn 600 – 900 đồng/kg. Nông dân ĐBSCL chấp nhận để mía “trổ cờ” mà không có người mua, nông dân Tây Ninh ngậm ngùi đốt bỏ, còn ở Phú Yên, Gia Lai, bà con phá mía… trồng sắn.
Tại Hậu Giang, tỉnh có diện tích mía lớn nhất ĐBSCL, lên đến 11.000ha, áp lực tiêu thụ mía còn lớn hơn gấp nhiều lần. Không còn cách nào khác, nhiều địa phương đưa ra việc “giải cứu” đường bằng cách khuyến khích cán bộ, công nhân viên mua giúp để nhà máy bớt tồn đọng. Cũng tại ĐBSCL, đã có 3 nhà máy đường trong tổng số 10 nhà máy phải… đóng cửa.
Áp lực hội nhập
Ngay từ những tháng đầu năm 2018, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã dự báo trước được những khó khăn mà doanh nghiệp và nông dân trồng mía sẽ gặp phải khi tính đến tháng 3.2018, lượng đường tồn kho lên đến 388.000 tấn, tăng trên 100.000 tấn so với tháng 12.2017.Trong khi đó, đường cát nhập lậu từ Thái Lan vẫn đang tung hoành ở nhiều tỉnh ĐBSCL với giá thấp hơn đường Việt. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Thái Lan thu mua nguyên liệu với giá thấp hơn các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi chi phí nguyên liệu đã chiếm tới 70 – 80% giá thành sản xuất, nên giá đường Thái Lan luôn thấp hơn đường Việt Nam từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Điều đáng nói là ngành mía đường của Việt Nam đã được khởi động từ năm 1995, đến nay cả nước đã có 40 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế 150.000 tấn mía/ngày, tăng 1,5 lần so với năm 2005 và tăng 12,7 lần so với năm 1995. Tuy nhiên, những hạn chế, tồn tại cố hữu của ngành vẫn chưa được cải thiện khi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất mía, chất lượng mía nguyên liệu chưa được cải thiện. Hiện năng suất mía của Việt Nam đạt khoảng 65 tấn/ha, trong khi bình quân chung thế giới là 70 tấn/ha.
Đại diện VSSA cũng thẳng thắn nhìn nhận, bị rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan hôm nay lỗi đầu tiên là do sự thay đổi thích nghi của ngành mía đường chưa đủ quyết liệt.
Để chấm dứt tình trạng này, theo GS-TS Võ Tòng Xuân, chỉ còn con đường duy nhất là áp dụng tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất đường xuống mức ngang bằng Thái Lan là 8.000 – 9.000 đồng/kg chứ không phải 12.000-13.000 đồng/kg như hiện nay. Khi đó, đường cát Thái Lan sẽ không còn "cửa" tràn vào nội địa.
Để làm được việc này, phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn để cơ giới hóa. Đơn cử như ở Quảng Ngãi, đầu tiên nhà máy đứng ra đo diện tích của từng hộ nông dân trong khu vực dồn diền đổi thửa, sau đó đưa cơ giới hóa vào làm đất, trồng mía, bón phân rồi chia lại cho mọi người chăm sóc theo diện tích sẵn có trước đó. Tới khi thu hoạch, nhà máy thu chung rồi chia năng suất bình quân. Với cách làm này, chi phí giá thành sản xuất đã giảm đi đáng kể.
Áp lực hội nhập là có thật, nhưng thay vì trông đợi vào giải cứu, vào sự bảo hộ đã kéo dài, thì các doanh nghiệp mía đường cần tự đổi mới nếu không muốn bị đào thải.