Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 15/6 giảm nhẹ 3 miền trên cả nước
Với quy mô nuôi 700 lợn nái, 5.000 lợn thương phẩm, ngày nào gia đình ông Nguyễn Công Bắc ở Sơn La cũng xuất bán từ 30 – 50 con lợn. Ngày 14.6, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Bắc cho biết: Hiện giá heo hơi hôm nay đạt 49.000 đồng/kg, giảm nhẹ 1.000 đồng so với 2 ngày trước.
Phân tích thị trường giá heo hơi, ông Bắc cho biết: Thời gian này đang cao điểm hè nắng nóng, người dân thường giảm nhu cầu ăn thịt mà thay vào đó là ăn rau xanh nhiều. Bên cạnh đó, tháng 6 đang thời điểm nghỉ hè, học sinh các trường đều nghỉ học, chính vì thế nhu cầu tiêu thụ thịt giảm, dẫn đến giá lợn giảm nhẹ.
Giá heo hơi có xu hướng chững lại, thậm chí là giảm nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/kg ở nhiều địa phương, dao động trong khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Ảnh minh họa.
“Tuy giá lợn giảm nhưng nguồn cung trên địa bàn Sơn La khá khan hiếm. Thời điểm này, hầu hết các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều bỏ chuồng, chỉ có những chủ trang trại như gia đình tôi hoặc các doanh nghiệp mới duy trì được đàn lợn” – ông Bắc thông tin.
Không chỉ Sơn La, tại nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm trên cả nước giá lợn hơi hôm nay cũng có xu hướng chững lại, thậm chí là giảm nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/kg. Cụ thể, Thái Bình và Bắc Giang cùng giảm về khoảng 48.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng so với trước đó. Các nơi khác giảm ít hơn như Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên,... đa số những địa phương này đều có giá bán thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 47.000-48.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay toàn miền Bắc dao động từ 44.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, giá heo hơi hôm nay cũng giảm nhẹ ở nhiều tỉnh, thành. Trong đó, Thanh Hóa, Hà Tĩnh giảm từ 50.000 đồng/kg xuống còn 48.000 đồng/kg.
Ngoài ra, một số tỉnh khác giá heo giảm khoảng 1.000 đồng/kg như Khánh Hòa, Ninh Thuận,... hiện một số địa phương này đang dao động quanh mức 48.000 đồng/kg.
Tại miền Nam giá heo hơi hôm nay cũng có một vài biến động đáng chú ý khi toàn miền nhiều địa phương có mức giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg, dao động phổ biến trong khoảng 44.000-48.000 đồng/kg.
Giá heo hơi giảm nằm trong dự đoán?
Bộ Công Thương cho biết, giá heo hơi miền Bắc đồng loạt giảm từ đầu tháng 6 đến nay. Giá heo hơi liên tục giảm tại nhiều địa phương xuống dưới mức 50.000 đồng/kg. Cụ thể, hiện giá heo hơi tại Yên Bái, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang giảm khoảng 1.000 - 2.000 đồng so với cuối tháng 5, xuống còn 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Giá heo hơi chững lại một phần do thời tiết đã sang hè, nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm. Ngoài ra, giá heo đã ở mức có lãi nên nhiều hộ không găm hàng mà bán để tái đầu tư nhưng ít trường hợp tăng đàn.
Theo nhiều chuyên gia, cần phải kiểm soát được tổng đàn của các doanh nghiệp FDI và kiểm soát đàn trong các nông hộ. Ảnh minh họa.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, thuộc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, cho biết: “Theo báo cáo số 718 /BC-CTK ngày 14/11/2017 của Cục Thống kê Sơn La, thì đàn lợn trên địa bàn Sơn La là 603.450 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 45.644 tấn. Hiện nay, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La có 266 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm thì chỉ có 15 trang trại lợn, trong đó có 4 trang trại lợn gia công cho Công ty C.P.
Suốt thời gian dài giá lợn hơi xuống thấp nên hầu hết các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn đã phải bỏ trống chuồng, tạm ngừng chăn nuôi sau một thời gian dài thua lỗ. Hiện nay, lượng lợn thương phẩm trên địa bàn Sơn La chủ yếu được cung cấp từ các công ty, trang trại lớn. Đây là những nơi vẫn có điều kiện để duy trì đàn heo trong bối cảnh giá xuống thấp và kéo dài. Vì thế, mặc dù giá lợn hơi liên tiếp tăng nóng trong suốt thời gian qua, nhưng thực tế các nông hộ chăn nuôi không được hưởng lợi trong đợt tăng giá này”.
Theo quy luật cung cầu của thị trường trong nước, khi khoảng 40% hộ chăn nuôi phá sản, treo chuồng và giảm đàn thì giá heo tăng trở lại. Thời điểm hiện tại, giá heo hơi vẫn được thu mua ở mức giá khá tốt từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, mức giá này khá cao so với năm 2017 và đầu năm 2018.
Điều đáng nói, mặc dù giá heo khá tốt, nhưng đối tượng được hưởng lợi lớn nhất không phải là các hộ chăn nuôi Việt Nam mà chính là các doanh nghiệp FDI có đàn heo với số lượng lớn và họ đang chi phối thị trường. Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết những bất cập này, các bộ, ngành chức năng phải kiểm soát tốt được tổng đàn heo không để cung vượt quá cầu.
Lãnh đạo một số hiệp hội chăn nuôi kiến nghị nên quy định các doanh nghiệp FDI nuôi heo phải xin quota và các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo cũng phải có hạn ngạch, chứ không để họ muốn nuôi bao nhiêu thì nuôi và muốn nhập bao nhiêu cũng được. Đây là cách mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị, cần phải kiểm soát được tổng đàn của các doanh nghiệp FDI và kiểm soát đàn trong các nông hộ. Trên 90 triệu dân cần lượng heo bao nhiêu thì chỉ nuôi bấy nhiêu, không nên cấp quota cho trang trại mới.