Dân Việt

Bi hài kịch chung cư của những tỷ phú sống tại Keangnam

06/12/2011 09:59 GMT+7
Theo một thành viên trong ban đại diện tòa nhà, do nhân viên quản lý, vận hành thiếu chuyên nghiệp nên cư dân nơi đây nhiều phen khốn khổ, và vụ việc 8 giờ kinh hoàng vừa qua chỉ là giọt nước làm tràn ly.

Tòa nhà chung cư Keangnam Landmark Tower tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm còn được mệnh danh là chung cư tỷ phú, bởi để trở thành cư dân ở đây đều phải có thu nhập rất cao. Nhưng, những công dân ở chung cư tỷ phú này đang đối diện với những bất an hàng ngày từ chủ đầu tư của nó đem lại…

Chung cư cao cấp, chất lượng… chẳng giống ai!

Thống kê sơ sơ cho thấy, từ tháng 4.2011 đến nay các tỷ phú ở đây đã trải qua một số sự kiện chỉ có tại tòa nhà tỷ phú chất lượng bình dân này.

Theo ông Trần Xuân Trạch một thành viên trong ban đại diện tòa nhà, do nhân viên quản lý, vận hành thiếu chuyên nghiệp nên cư dân nhiều phen khốn khổ. Chiều 9.6.2011, do nhân viên vận hành không nắm được kỹ thuật đã làm vỡ đường ống nước ở tầng 27khiến cho 10 căn hộ và hành lang tầng 27 nước ngập đến đầu gối và hỏng luôn thang máy. Trận "lụt" hy hữu ấy khiến 10 căn hộ tầng 27 phải sửa chữa sàn gỗ và tường trong nhà, vì tường ngăn trong phòng vốn được làm bằng thạch cao nên ngập nước là hỏng.

Còn ngày 13.9 vừa rồi, mấy trăm con người lại được một phen tá hỏa khi bỗng nhiên nghe loa báo động có cháy. 20 giờ, nghe báo động, tất cả mọi người hốt hoảng ra thang bộ để chạy xuống đất. Nhưng xuống tới nơi thì mới biết nhân viên kỹ thuật của công ty quản lý tòa nhà báo động… nhầm. Do phải chạy bộ mấy chục tầng xuống đất nên 4 bà bầu bị động thai.

img
Anh Trần Thanh Hiền (sống tại căn hộ A1083) bị đánh ngay tại sân vườn tầng 5 của tòa nhà, người dân đã gọi bảo vệ ngay khi sự việc xảy ra nhưng đã không được can thiệp giúp đỡ.

Trong một lần đi làm về, chị Phương ở tầng 16 để máy tính xách tay trên ôtô nhưng quên khóa cửa xe, hôm sau xuống thì chiếc máy tính đã không cánh mà bay. Khi chị Phương yêu cầu kiểm tra từ camera bảo vệ thì phát hiện thủ phạm của vụ trộm chính là… nhân viên bảo vệ tòa nhà.

Tối 18.11 tại sân vườn tầng 5 (sân chơi của trẻ em tại khu Keangnam) bảo vệ ngăn cản không cho các cháu vào chơi. Tại đây, nhân viên công ty Mai Linh đang dựng rạp sân khấu chiếm hết đài phun nước và khu sân chơi bóng của trẻ em. Khi người dân phản đối, bảo vệ tỏ thái độ bất hợp tác. Trong lúc đó, có 4 người xuất hiện, đe dọa, quát mắng.

Anh Trần Thanh Hiền (sống tại căn hộ A1083) lên tiếng yêu cầu 4 người này có thái độ lịch sự hơn, lập tức bị họ xông vào đánh đập. Sau khi đánh dã man anh Hiền chúng rút đi và vẫn sử dụng thẻ cư dân để ra vào tự do. Anh Hiền đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi khám sơ bộ, bác sĩ kết luận anh Hiền bị gãy chân, vỡ xương bánh chè.

Sau khi sự việc xảy ra, từ sáng sớm ngày 19.11 rất đông cư dân tòa nhà đã dựng hàng rào không cho các phương tiện đi lại vào tòa nhà, với hàng loạt biểu ngữ: "Chúng tôi phản đối mọi hình thức áp đặt", "Phản đối bảo vệ Keangnam không bảo vệ được cư dân", "Phản đối Keangnam để côn đồ đánh trọng thương cư dân tại sân chơi tầng 5"…

Theo các cư dân tòa nhà này, sân chơi tầng 5 là sân chơi chung, song ban quản lý đã cho một doanh nghiệp thuê lại để kinh doanh. Để đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng Công an huyện Từ Liêm và Cảnh sát giao thông đã phải có mặt. Giám đốc Công an Hà Nội, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đã trực tiếp chỉ đạo công an huyện Từ Liêm vào cuộc để làm rõ nguyên nhân.

Được biết, ngay sau khi chuyển đến chung cư, chủ đầu tư đã yêu cầu người dân đóng phí dịch vụ tòa nhà trong 3 tháng đầu với giá 0,99USD/m2 tương đương 21.000 đồng/m2. Nhận thấy mức giá này quá cao nên 3 tháng tiếp theo người dân quyết định không nộp phí. Đến tháng 11, chủ đầu tư lại tự đưa ra mức phí 17.130 đồng/m2 (chưa tính VAT) mà không quan tâm đến ý kiến của người dân và Quyết định số 4520 của UBND thành phố Hà Nội là 4.000đồng/m2.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, các hộ dân đã thành lập ra ban đại diện lâm thời, yêu cầu Công ty Keangnam thu phí dịch vụ theo quy định tại văn bản trên, đề nghị chủ đầu tư nên có cuộc họp với Ban đại diện lâm thời (BĐDLT) để 2 bên đưa ra mức phí hợp lý nhưng đơn vị chủ đầu tư đã từ chối.

Vào khoảng cuối tháng 6.2011, Keangnam nổi đình nổi đám khi bị hàng trăm cư dân sống tại đây tố cáo “bóc lột” cư dân khi thu hàng loạt các loại phí “khủng”. Cụ thể, cư dân cho rằng Keangnam đang thu phí vượt trần so với quy định của UBND TP về phí trông ô tô, xe máy. Mức phí xe máy tính theo lượt của chủ đầu tư hiện ở mức 20.000 đồng, gấp 10 lần quy định của thành phố.

Phí quản lý cũng được chủ đầu tư áp tới 0,99 USD, xấp xỉ 21.000 đồng /m2, mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay. Mức thu tại các chung cư cao cấp như Vincom B cũng chỉ có 14.000 đồng, Sky City 88 Láng Hạ 8.000 đồng.

img
Trẻ em không phải là đối tượng ưu tiên trong tòa nhà tỷ phú này.

Sau nhiều lần đấu tranh căng thẳng, Keangnam chịu "nhún", hạ phí quản lý xuống còn 17.130 đồng/m2 chưa bao gồm VAT nhưng cư dân Keangnam vẫn chưa đồng ý do vẫn cao gấp 4,5 lần quy định của UBND TP Hà Nội mà chưa có sự thỏa thuận nào giữa cư dân và chủ đầu tư. Ban đại diện lâm thời Keangnam cũng đã gửi đi 12 công văn yêu cầu chủ đầu tư phải bóc tách chi phí, thỏa thuận mức phí quản lý chung cho tòa nhà. Tuy nhiên, cho đến nay, chủ đầu tư vẫn “bặt vô âm tín”.

Bức xúc trước thái độ áp đặt mức phí quản lý cao “ngất”, nhiều cư dân Keangnam không đồng ý đóng phí. Ngay lập tức, Keangnam đã ra “tối hậu thư” ngày 21.11, thông báo, nếu cư dân không đóng mức phí trên, chủ đầu tư sẽ cắt các dịch vụ và tiện ích công cộng.

Cụ thể, Keangnam Vina thông báo: "Kể từ ngày 26.11 đối với các căn hộ chưa tất toán phí quản lý sẽ hạn chế sử dụng sử dụng tiện ích công cộng như sân chơi, bể bơi…Từ ngày 1.12do một số căn hộ chưa tất toán phí quản lý nên công ty quản lý buộc cắt giảm nhân viên lễ tân, bảo vệ, vệ sinh và tạm dừng các dịch vụ cung cấp khác".

Keangnam ép dân vì nhà quản lý nhẹ tay?

Cách hành xử của Keangnam Vina cho thấy sự coi thường các “thượng đế” của chủ đầu tư theo cấp độ tăng dần. Điều khó hiểu là cách áp đặt của chủ đầu tư với người dân, sự phản đối của người dân mà có tờ báo đã ví von là cuộc nội chiến lại rơi vào tình trạng không biết đến khi nào mới kết thúc. Keangnam Vina, một đơn vị đầu tư gắn mác ngoại nhưng lại hành xử không đẹp chút nào và dường như cũng không theo bất cứ một luật nào, dù đang hoạt động và phục vụ trên lãnh thổ Việt Nam.

Tại sự việc cao trào vào ngày 3.12 vừa qua, suốt khoảng 6 giờ từ 1 giờ chiều tới 7 giờ tối, đề nghị duy nhất của cư dân và cả lãnh đạo UBND xã Mễ Trì là mở toàn bộ thang máy để người dân sinh hoạt bình thường và hai bên sẽ thoả thuận mức phí đã bị phía Keangnam thẳng thừng từ chối. Hơn 7 giờ, lãnh đạo Keangnam Vina là ông Ha Jong Suk người Hàn Quốc xuất hiện và cũng chỉ nhượng bộ bằng cách mở 2 thang máy chở hàng chứ không mở những thang máy chở người như bình thường.

img
Không có ai là ngoại lệ vì kiểu hành xử chẳng giống ai của chủ đầu tư tòa nhà tỷ phú!

Chỉ đến khi Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm Lê Văn Phương xuất hiện, phía Keangnam Vina mới nhượng bộ, đến khoảng 9 giờ tối đã mở toàn bộ các thang máy vô điều kiện. Ông Phương cho biết, đầu tuần tới UBND huyện sẽ có văn bản mời các bên liên quan tới làm việc để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Đến thời điểm này, 600/922 căn hộ đã có người đến ở cũng không biết phía Keangnam Vina đã chấm dứt chuỗi hành động không giống ai hay chưa hay lại tiếp tục có những hành động không biết đâu mà lần kiểu như thời gian qua nữa. Ở đây rõ ràng là phía người dân đã chấp nhận xuống thang khi chỉ yêu cầu mở thang máy vào ngày 3.12 vừa qua và sẽ thỏa thuận lại mức phí, nhưng phía Keangnam lại cố chấp với quan điểm của mình.

Ngày 29.9.2011, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định 4520 về việc phê duyệt đề án giá dịch vụ chung cư và ban hành giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội. Theo quyết định này thì có 3 mức giá, đó là 2.400đ/m2/tháng cho nhà chung cư không có thang máy; 3.100đ/m2/tháng cho nhà chung cư có thang máy mức thiết yếu và 4.000đ/m2/tháng cho nhà chung cư có thang máy mức mở rộng.

Nhưng quyết định này lại có một quy định mở, đó là nếu giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ đã có thỏa thuận về giá dịch vụ nhà chung cư thì thực hiện theo thỏa thuận đó. Các loại dịch vụ chưa có hoặc có nhưng chưa đủ thành phần công việc trong giá dịch vụ được ban hành theo quyết định này thì người dân và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tự thỏa thuận. Có điều, sự thỏa thuận theo quy định của pháp luật giữa Keangnam và người dân lại chưa hề thống nhất.

Theo yêu cầu của Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư và UBND huyện Từ Liêm cần gửi báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 12.12 các nội dung liên quan đến việc quản lý sử dụng dịch vụ nhà chung cư Keangnam Landmark Tower. Có điều nếu báo cáo của phía chủ đầu tư vẫn không xuất phát từ yêu cầu chính đáng của người dân, Sở Xây dựng liệu có xử lý mạnh tay hơn theo thẩm quyền? Bởi đến thời điểm này, liên quan đến hàng loạt sự việc đã xảy ra tại tòa nhà này, chủ đầu tư và UBND xã Mễ Trì cũng đã nhiều lần báo cáo, nhưng các hành động bắt bí lại vẫn diễn ra…

Theo VnMedia