Cặp đôi cổ phiếu bầu Đức là HAG và HNG đang mang tới nhiều tin không vui cho những nhà đầu tư nắm giữ chúng trong thời gian qua (Ảnh minh họa)
Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 dự kiến được tổ chức vào ngày 23.6 tới, cổ đông của HAGL và HAGL Agrico đã phải đón nhận nhiều tin không vui khi.
Đầu tiên, cổ phiếu HAG đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 4.420 đồng/cổ phiếu vào ngày 28.5. Dù đã tăng trở lại trong ít ngày gần đây, song tính riêng trong 6 tháng qua, giá trị giao dịch của cổ phiếu HAG đã “bốc hơi” hơn 41%. Cổ phiếu HAG cũng vào diện cảnh báo của HSX từ 7.5.2018 do công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên BCTC hợp nhất năm 2017 thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.
Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) giữ vị trí Chủ tịch HĐQT dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự đạt khoảng 150 tỷ đồng, giảm 66% so với năm thực hiện 2017. Đồng thời, công ty sẽ không chia cổ tức trong năm 2018. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, HAGL Agrico không chia cổ tức cho cổ đông.
Lợi nhuận “bốc hơi”, công ty bị nghi ngờ khả năng hoạt động
Năm 2017, HAGL Agrico (HNG) đạt hơn 3.300 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 31% so với năm 2016. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 1.215 tỷ đồng, con số lợi nhuận sau thuế năm 2017 ghi nhận 530 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 527 tỷ đồng.
Đây đều là những khoản mục được điều chỉnh trên báo cáo kết quả kinh doanh sau kiểm toán của HAGL Agrico. Trong đó, doanh thu thuần chỉ giảm nhẹ 27 tỷ đồng nhưng khoản lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 43% còn 527 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế cũng giảm 42% còn 530 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận này có phần đóng góp không nhỏ từ việc thoái vốn tại HAGL Sugar cho phía Thành Thành Công.
Doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của HAGL Agrico đều "bốc hơi" sau kiểm toán
Nguyên nhân được HAGL Agrico đưa ra là thiếu sót về chuyên môn của các nhân viên kế toán và do số lượng nghiệp vụ quá nhiều trong khi nhân viên phải cố gắng hoàn thành Báo cáo tài chính quý trong 30 ngày.
Còn với khoản chi phí quản lý DN và chi phí khác tăng lần lượt 12% và 43% sau kiểm toán, HAGL Agrico giải trình chi phí tài chính tăng do chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty con hơn 114 tỷ đồng. Chi phí chăm sóc vườn cây cao su tăng hơn 85 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Ngoài ra, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Theo đó, nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn, vốn lưu động âm 2.185 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
Chi phí hoạt động của HAGL Agrico trong 2 năm 2016 - 2017
Phía HAGL Agrico giải trình tương tự công ty mẹ rằng Công ty đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng đầu tư mạnh vào mảng cây ăn trái và tham gia vào chuỗi giá toàn cầu bằng các kênh xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường lớn, củng cố mảng cao su.
Ngoài ra, Công ty cũng đang xúc tiến nghiệp vụ phát hành chứng khoán để huy động vốn nhằm giải quyết khó khăn về thanh khoản. Công ty cũng đang bàn bạc với các ngân hàng có liên quan để điều chỉnh các điều khoản ràng buộc trong các hợp đồng tín dụng không còn phù hợp với tình hình hiện tại.
Thay đổi mục tiêu lợi nhuận, phát hành trái phiếu hoán đổi nợ
Tại tờ trình các vấn đề cần thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của HAGL Agrico (HNG), HĐQT công ty này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 150 tỷ đồng, giảm 66% so với thực hiện năm 2017. Đồng thời, Công ty cũng không thực hiện chia cổ tức cho các cổ đông trong năm nay.
Song đây là con số lợi nhuận đã được điều chỉnh. Bởi trong Bản cáo bạch chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng được công bố trước đó, HAGL Agrico từng đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.096 tỷ đồng, tăng 23% so năm 2017. Lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 15%, lên mức 610 tỷ đồng.
Cơ cấu lợi nhuận gộp của HAGL Agrico
Theo đó, căn cứ để đưa ra con số dự kiến trong năm 2018 dựa trên việc Công ty sẽ có nguồn thu từ cao su, chanh dây, chuối, thanh long, ớt, xoài và mít. Trong đó, diện tích cao su khai thác tăng từ 10,279 ha lên 17,861 ha với tổng sản lượng mủ thu hoạch tăng từ 14,456 tấn lên 19,647 tấn. Tỷ suất lợi nhuận gộp cao su dự kiến là 19%.
Diện tích thu hoạch trái cây năm 2018 đạt 5,200 ha. Trong đó ớt, chuối và thanh long lần lượt chiếm 19%, 44% và 25%. Doanh thu ớt dự kiến đạt 375 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp 40%; doanh thu chuối dự kiến 1,361 tỷ đồng, tỷ suất lãi gộp 23%; doanh thu thanh long 468 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp 50%.
Quay trở lại câu chuyện phát hành trái phiếu chuyển đổi. Tại thời điểm phát hành BCTC năm 2017 đã kiểm toán, công ty đã hoàn tất việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ với tổng khối lượng 119.700.000 cổ phiếu.
Theo đó, khoản mục nợ ngắn hạn là 1.197 tỷ đồng đã được điều chỉnh giảm và tăng tương ứng tại khoản mục Vốn điều lệ. Chênh lệch giữa nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn của Nhóm công ty là 604.168.479.000 đồng.
Tới cuối tháng 5 vừa qua, HAGL Agrico tiếp tục dự định phát hành 221.710 trái phiếu chuyển đổi có mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu với thời hạn trái phiếu là 1 năm.
Như vậy, HAGL Agrico cần huy động 2.217 tỷ đồng, tương ứng mức giá bán ra công chúng bằng với mệnh giá. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được chia thành 2 phần, 1.137 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư vào trồng mới, chăm sóc cây ăn trái và 1.080,1 tỷ đồng sử dụng vào mục đích tái cơ cấu tài chính. Thời gian đăng ký và nộp tiền mua từ 7.6 đến 27.6.
Trong quý I.2018, bình quân mỗi ngày HAGL Agrico sẽ phải trả 1,71 tỷ đồng lãi vay ngân hàng, con số này trong năm 2017 là hơn 2 tỷ đồng/ngày
Về tình hình vay nợ, HAGL Agrico có 3 khoản nợ hơn 27.5 tỷ đồng đến hạn trả nhưng chưa thanh toán. Theo công ty, đây là các khoản vay có nguồn gốc từ CTCP Đông Dương (được mua lại từ năm 2016). Tuy nhiên, do việc kế thừa các khoản nợ từ công ty con làm phát sinh các thủ tục điều chỉnh nên đến 31.12.2017 công ty vẫn chưa thể xử lý triệt để các khoản vay này.
Ngoài ra, tại thời điểm 31.3.2018, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của HAGL Agrico ở mức 1.292 tỷ đồng, giảm nhẹ so mức cuối năm 2017 là 1.725 tỷ đồng. Vay dài hạn cũng giảm nhẹ xuống mức 12.134 tỷ đồng.
Vay nợ nhiều, áp lực trả nợ cũng không nhỏ. Chi phí lãi vay của công ty đã tăng gần 10%, từ hơn 750,1 tỷ đồng năm 2016 lên 813,2 tỷ đồng năm 2017. Quý I.2018, với con số chi phí lãi vay là hơn 154,72 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày HAGL Agrico sẽ phải trả 1,71 tỷ đồng lãi vay ngân hàng.
Các khoản vay này của HNG cũng khiến đơn vị kiểm toán đưa ra nhiều ý kiến về việc chưa mua bảo hiểm cho các khoản vay, diện tích trồng cây thực tế khác với cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Bầu Đức nương nhờ trái cây
Cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico đã có sự thay đổi rõ rệt qua 2 năm 2016 và 2017. Cụ thể, năm 2016, doanh thu ngành chăn nuôi bò đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu với tỷ lệ 72.53%, tiếp đến là doanh thu bán hàng hoá thành phẩm và doanh thu ngành đường với tỷ lệ lần lượt là 10.7% và 9.85%.
Đến năm 2017, đóng góp lớn nhất cho doanh thu lại đến từ ngành trái cây, tỷ lệ đóng góp là 48.71%; ngành chăn nuôi bò đứng thứ hai với tỷ lệ 22.81%. Bên cạnh đó tình hình ngành cao su cải thiện rõ rệt khi doanh thu ngành tăng 298.47% so với cùng kỳ, đóng góp 13.68% vào tổng doanh thu. Đứng thứ tư là doanh thu đến từ bán hàng hoá và thành phẩm, đóng góp 7.36% vào tổng doanh thu.
Cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico trong 2 năm 2016 - 2017
Nói về ngành trồng trọt, mảng cao su với diện tích khai thác 15,957 ha năm 2018 dự kiến thu được 17,691 tấn mủ khô, góp phần mang lại doanh thu khoảng 520 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 34 tỷ đồng cho HNG.
Đối với mảng cây ăn trái, HNG tham gia vào dự án từ đầu năm 2016 và mảng này đã mang lại nguồn thu đáng kể trong năm 2017. Theo kế hoạch 2018 thì mảng kinh doanh cây ăn trái đóng góp rất lớn vào cơ cấu doanh thu của Công ty, dự kiến mang lại doanh thu khoảng 3,043 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 81% trong cơ cấu doanh thu.
Cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico
Cụ thể, chuối dự kiến năm 2018 thu được 106,234 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 1,745 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 983 tỷ đồng. Thanh long dự kiến thu được 27,166 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 818 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 468 tỷ đồng. Ớt dự kiến thu được 15,957 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 290 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 98 tỷ đồng. Xoài dự kiến thu được 2,564 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 87 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 29 tỷ đồng. Chanh dây dự kiến thu được 1,700 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 85 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 35 tỷ đồng. Mít dự kiến thu được 786 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 18 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 14 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành khác bao gồm cung cấp dịch vụ, mua bán sản phẩm hàng hóa và bán căn hộ ước tính mang lại doanh thu khoảng 180 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 13 tỷ đồng trong năm.
Về kế hoạch đầu tư, HAGL Agrico cho biết tiếp tục chăm sóc các vườn cây cao su, cọ dầu, cây ăn trái và tiếp tục trồng mới một số loại cây ăn trái trên diện tích đất dôi dư tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Nguồn vốn cho đầu tư dự kiến đến từ từ tiền thu được nhờ phát hành Trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với số tiền được công ty dự kiến dùng là 1.137 tỷ đồng