Còn 2 tháng nữa là đầy 1 năm cổ phiếu ngân hàng TMCP Thịnh vượng (VPBank, VPB) chính thức chào sàn HOSE. Nếu như trước thời điểm cổ phiếu này chào sàn (17.8.2017) còn nhiều câu hỏi ngờ vực cho rằng cổ phiếu này đang được định giá quá cao (39.000 đồng/cp) thì nay lại có nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ cổ phiếu VPB đã bị định giá quá thấp, khi 1 tân binh mới của HOSE là TCB của Techcombank vừa chào sàn với giá tham chiếu là 128.000 đồng/cp.
Một trong những giao dịch đáng chú ý nhất của VPBank mới đây là vào ngày 15.06.2018, gần 34,5 triệu cổ phiếu VPB đã được chuyển từ Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm sang cho một cá nhân là ông Nguyễn Mạnh Cường. Ước tính với giá đóng cửa cổ phiếu VPB chốt phiên giao dịch ngày 15.06 (49.500 đồng/cp) thì thương vụ này có trị giá hơn 1.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ cuối tháng 3.2018 đến nay, ngày càng có nhiều đại gia ngàn tỷ lộ diện thông qua những giao dịch thỏa thuận từ hàng chục cho tới hàng trăm triệu cổ phiếu VPB với mức giá cổ phiếu giao dịch trong ngày từ 46.000 đồng/cp đến 53.500 đồng/cp.
Cổ phiếu VPB quanh mức 46.000 đồng – 53.000 đồng/cp
Với mức giá giao dịch cổ phiếu VPB quanh mức 46.000 đồng – 53.000 đồng/cp hiện nay cách khá xa với mức giá của tân binh vừa chào sàn HOSE là cổ phiếu TCB của ngân hàng Techcombank.
Ngày 4.6.2018, gần 1,17 tỷ cổ phiếu TCB đã được niêm yết trên sàn HOSE với giá tham chiếu 128.000 đồng. Mức giá này gấp hai lần so với thị giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đang giao dịch trên sàn, cũng như vượt xa thị giá của tất cả các cổ phiếu ngân hàng khác đang niêm yết, cụ thể như VPB.
Có lẽ nhiều người đã và đang đặt câu hỏi, phải chăng VPBank bị thị trường định giá quá thấp nếu so với Techcombank?
Nếu nhìn vào hoạt động của 2 ngân hàng có thể thấy nhiều điểm tương đồng. Cách đây 5 - 7 năm, VPBank và Techcombank chỉ đứng top 2 trong nhóm cổ phần tư nhân, khi đứng sau một loạt các nhà băng như ACB, Eximbank, Sacombank, MB. Nhưng với tốc độ tăng trưởng theo chiều gần như thẳng đứng trong 4 năm trở lại đây, thì VPBank và Techcombank đến nay đã dẫn đầu nhóm về doanh thu trong khi vượt xa các ngân hàng có vốn Nhà nước về khả năng sinh lời.
Kết thúc năm 2017, mỗi ngân hàng lãi sau thuế hơn 6.400 tỷ đồng, ROE ở mức 27%. Năm 2018, cả hai ngân hàng cùng đặt mục tiêu lãi ròng hơn 8.000 tỷ và 10.800 tỷ đồng lãi trước thuế.
Tuy nhiên vốn điều lệ thì có sự thay đổi đáng kể trong 5 năm qua và tạm thời VPBank đang bỏ xa Techcombank. Nhưng thời gian tới "sao có thể đổi ngôi" nếu kế hoạch nâng vốn lên gần 35.000 tỷ đồng của Techcombank thành công còn VPBank là 28.000 tỷ được triển khai theo đúng lộ trình.
Về chiến lược, cả hai ngân hàng không chỉ muốn đứng đầu về bán lẻ ở Việt Nam mà còn tầm cỡ khu vực. Song con đường đi của hai ngân hàng có điểm khác nhau đó là Techcombank muốn chọn hướng an toàn và phân tán rủi ro, trong khi VPBank muốn lợi nhuận cao và sẵn sàng đối mặt với rủi ro, với những cơ hội mới như tài chính tiêu dùng.
Trả lời câu hỏi liệu cổ phiếu TCB có được định giá quá cao so với thị trường? Đại diện lãnh đạo Techcombank cho biết, sở dĩ có mức giá trên do nhiều quỹ đầu tư trên thế giới có chung đánh giá, xác định giá trị doanh nghiệp của Techcombank vào khoảng 6,2 - 6,5 tỷ USD.
Mặt khác, mức giá trên hình thành qua cơ sở cung cầu. Lượng đặt mua cổ phần Techcombank từ hàng trăm tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài lên tới hơn 4 tỷ USD, gấp hơn 4 lần lượng chào bán. Và đây là một yếu tố quan trọng góp phần hình thành giá.
Tuy nhiên, đi ngược lại đà tăng của thị trường và nhóm "cổ phiếu vua", cổ phiếu TCB ngay đầu phiên đã giảm 25.600 đồng (tương đương 20%) xuống còn 102.400 đồng. Dư bán giá sàn đến gần cuối phiên sáng của cổ phiếu Techcombank gần 1,2 triệu đơn vị. Sau đó, TCB vẫn mất khoảng 18% sau chục ngày lên sàn.
Diễn biến của cổ phiếu TCB cũng trái ngược hoàn toàn với diễn biến giá của VPB trong ngày chào sàn và 10 tháng sau đó dù trước ngày lên sàn nhiều người ngờ vực cho rằng cổ phiếu này đã bị định giá quá cao.
Cụ thể, trong ngày chào sàn, ngay những giây đầu tiên cổ phiếu nhà băng này gây ấn tượng mạnh mẽ với hàng trăm lệnh đua nhau ào ạt vào sàn. Sau vài phút VPB trở thành tâm điểm chú ý khối lượng đặt mua hàng chục triệu đơn vị. Với 37 triệu cổ phiếu ở mức giá ATO, hơn 45 triệu cổ phiếu VPB đã sang tên ở mức giá tham chiếu.
Giá trị giao dịch VPB thời điểm đó đã đạt 1.800 tỉ đồng. 80% giao dịch thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. “Room” khối ngoại được lấp đầy ngay sau 15 phút. Đây được coi là hiện tượng “chưa từng diễn ra” trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau 10 tháng thị giá VBP đã tăng khoảng 30% so với giá tham chiếu.
Sự biến động ngược chiều này đã giúp hai ngân hàng co hẹp khoảng cách về vốn hoá hơn, còn 74 nghìn tỷ (VPB) và 104 nghìn tỷ đồng (TCB).