Dân Việt

Giá điều giảm mạnh xuống đáy, doanh nghiệp “ngắc ngoải”

Nguyên Vỹ 18/06/2018 13:20 GMT+7
Trong giai đoạn khó khăn chung của doanh nghiệp (DN) chế biến điều trên thế giới, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng các DN điều trong nước không thể cạnh tranh nhau bằng giá thấp, mà cần bình tĩnh liên kết nhau để cùng vượt qua khó khăn.

Giá điều giảm mạnh

Giá điều nhân xuất khẩu hiện đã giảm xuống chỉ còn 4 – 4,15 USD/LBS, giảm 20% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là mùa vụ trước, điều bị mất mùa đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho chế biến. Tình hình giá điều nhân xuất khẩu giảm đã kéo dài từ 9 tháng qua.

Còn nhớ mới đầu tháng 4 vừa rồi, khi giá điều nhân chưa định hình, ông Tạ Quang Huyên - Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước) nhận định sẽ không có chuyện giá xuống 4,2 – 4,3 USD/LBS trong tương lai gần. Nhưng thực tế là đến nay giá lại tiếp tục giảm.

img

Kiểm tra nhân điều sau khi tách vỏ - một khâu trong công nghệ chế biến điều Việt Nam. Ảnh: Đình Trường

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu 2018, xuất khẩu nhân điều tăng cả số lượng và trị giá so cùng kỳ năm 2017. Cụ thể đạt 141.000 tấn và 1,396 tỷ USD; tăng 21,4% về số lượng và tăng 25,3% về trị giá. Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt khoảng 29%, 17% và 15% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.

“Rõ ràng là giá đã giảm vượt mức kiểm soát và không DN nào có thể lường trước được. Đây là khó khăn chung mà các DN chế biến xuất khẩu điều đang đối diện và tìm cách tháo gỡ” - ông Huyên thừa nhận.

Theo ông Huyên, nguyên nhân giá giảm xuất phát từ sự bùng phát công suất chế biến của các nhà máy. Trong khi nhu cầu của thị trường chỉ tăng 5% thì Việt Nam - nước đứng đầu thế giới về chế biến điều đã tăng công suất lên tới 25% trong thời gian vừa qua.

Thông tin từ Vinacas, 5 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 653.000 tấn điều nguyên liệu (con số này đã bao gồm cả điều trong nước lẫn phần ít từ Campuchia). Nhưng cũng trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 653.000 tấn điều.

Như vậy, cân bằng xuất và nhập gần như bằng 0. Điều nguyên liệu tồn kho còn lại trong nước hiện còn rất ít. “Mới hết tháng 5 đã hết nguyên liệu. Tại thủ phủ điều Bình Phước, đã có khoảng 80% các DN và cơ sở chế biến phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu” - ông Huyên cho biết.

Tình hình đóng cửa nhà máy cũng diễn ra tương tự ở tỉnh Long An, hiện chỉ có 12/33 DN chế biến điều còn hoạt động. Lượng nhân điều trong nước xuất ra quá nhiều nên thương lái quốc tế có cơ hội ép giá. “Phần nguyên liệu sụt giảm của Ấn Độ không nhiều bằng phần tăng của ta. Phần dư nguyên liệu cục bộ đã chế biến gần hết trong các tháng vừa rồi. Đó là nguyên nhân khiến giá giảm” - ông Nguyễn Duy Tuân của Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An nói.

Theo nhận định của ông Huyên, mức giá xuất khẩu hiện nay không thể thấp hơn được nữa. Giá sẽ bắt đầu phục hồi từ tháng 6 này. Với tư cách là Phó Chủ tịch Vinacas, ông Huyên đề nghị thời gian tới, các DN phải đoàn kết, bình tĩnh không bán thấp bằng mọi giá để níu giữ mức giá chung.

“Thực tế, thị trường điều thế giới vẫn tiếp tục mua hàng chế biến của Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng điều vẫn tăng trưởng 5%/tháng và đây sẽ là cơ hội để DN tiếp tục ổn định lại tổ chức sản xuất” - ông Huyên chia sẻ.

Không thể cạnh tranh bằng giá thấp

Trao đổi tại buổi tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh điều 5 tháng đầu năm vừa tổ chức, ông Nguyễn Duy Tuân - Tổng Giám đốc Lafooco (Long An) cho biết, không riêng gì Việt Nam, các DN điều ở Ấn Độ cũng đang gặp khó khăn chồng chất.

Theo lời ông Tuân, tại vùng Kollam - thủ phủ điều của Ấn Độ, nhiều DN đã phải nộp đơn xin giải cứu lên Chính phủ. Từ đầu năm, các DN này nhập điều nguyên liệu với giá rất cao từ châu Phi. Nhưng giá bán thấp hiện nay khiến hơn 70% DN chế biến phải bán tháo, đóng cửa... Chính phủ Ấn Độ đã phải họp bàn giải pháp đề nghị ngân hàng trung ương giãn nợ hoặc hạ thấp lãi suất để hỗ trợ DN.

Việt Nam dù mua nguyên liệu từ châu Phi sau Ấn Độ với giá hợp lý hơn nhưng cũng gặp không ít khó khăn do giá bán điều nhân xuất khẩu thấp. “Tình hình này diễn ra ở hầu khắp các DN quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ do phải chịu đựng mức giá giảm quá lâu. Họ tìm cách bán nhanh, bán tháo hoặc giảm giá bán xuống để xoay vòng vốn” - ông Tuân giải thích.

Trước lo ngại các DN cạnh tranh nhau bằng giá thấp sẽ ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu cả nước, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas cho rằng từ nay đến lúc bình ổn, các doanh nghiệp phải tổ chức lại quy trình sản xuất, nhất là DN lớn phải tự cứu chứ không trách các DN, cơ sở nhỏ lẻ được.

Giá thành hạ không phải vấn đề cốt tử trong kinh doanh hạt điều. Các DN không thể mãi cạnh tranh nhau bằng giá thấp. Việc hạ giá bán để xoay vòng vốn hoặc để tồn tại không đem lại lợi ích gì cho bản thân, cho cộng đồng DN lẫn người nông dân. “Khi ổn định sản xuất và giữ được giá thành hợp lý, DN thu mua nguyên liệu từ nông dân cũng với giá tốt hơn và thúc đẩy sự phát triển chung của toàn ngành” - ông Thanh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh điều gặp nhiều khó khăn trong năm nay, ông Thanh cho biết toàn ngành vẫn kiên trì chủ trương “giảm lượng tăng chất” với sản lượng điều nhân xuất khẩu duy trì ở mức phù hợp, nâng tỷ trọng chế biến sâu lên 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt trên 3,7 tỷ USD.