85% học viên tìm được việc
Ông Tống Văn Tam - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Nam cho biết, hàng năm, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề và phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn cho trên 10.000 lượt người. Trong đó, riêng Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp dạy nghề cho 1.200 lượt nông dân.
Dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho nông dân Hà Nam. Ảnh: Minh Nguyệt
"Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh sẽ đào tạo cho khoảng 86.900 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 55% vào năm 2020; giải quyết việc làm mới cho khoảng 81.600 lao động, tạo việc làm thêm cho khoảng 100.000 người”. Theo Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam |
Từ đầu năm 2018 đến nay, hàng chục lớp dạy nghề trình độ sơ cấp, trung cấp cho nông dân đã được khai giảng. Một số ngành nghề được nông dân trong tỉnh đăng ký tham gia học nhiều như: nghề may công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, cơ khí, tin học, trồng nấm, thêu ren, mây tre đan...
“Đến nay, sau 6 tháng triển khai, Hội Nông dân tỉnh cùng các đơn vị trực thuộc đã tổ chức được 157 lớp dạy nghề cho gần 6.000 lượt nông dân. Học viên đăng ký theo học nghề ở bậc sơ cấp, sau khi học nghề đã có khoảng 85% lao động có việc làm ổn định. Từ đó, thu nhập của các hộ gia đình được nâng cao, chất lượng đời sống được đảm bảo đầy đủ hơn” - ông Tam nói.
Ông Hoàng Ngọc Đại – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh cho biết, sau hơn 5 năm (2013 - 2018) triển khai, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức được 39 lớp dạy nghề cho 1.351 người. Trong đó, dạy nghề theo Quyết định số 1956 của Thủ tuớng Chính phủ được 36 lớp với 1.228 lượt người được đào tạo, trong đó nghề nông nghiệp có 595 người; nghề phi nông nghiệp có 633 người.
Tổng số kinh phí được cấp để dành riêng cho hoạt động này là gần 2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp 600 triệu đồng; kinh phí của tỉnh cấp gần 1,4 tỷ đồng. Đối với nguồn kinh phí dạy nghề hàng năm được cấp, trung tâm đã dành phần lớn chi phí để mở các lớp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp tại các địa phương.
Chủ động lựa chọn nghề
Ông Tam cho rằng điều quan trọng tạo nên thành công trong công tác dạy nghề chính là giao quyền tự chủ cho các địa phương. Tại nhiều nơi, bà con nông dân đã được khảo sát nhu cầu học, sau đó, đối chiếu với quy hoạch phát triển kinh tế địa phương để xác định nghề học, chương trình học. Dù học ngành gì, mục tiêu vẫn gắn học với việc làm. Công tác dạy nghề cũng chỉ thực hiện khi đã chắc chắn có đầu ra cho học viên.
Là địa phương làm tốt công tác dạy nghề, Hội Nông dân huyện Thanh Liêm đã tích cực phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 35.600 hội viên, trong đó hội trực tiếp tập huấn 2.000 hội viên. Huyện Từ Liêm còn xây dựng mới 55 mô hình về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của tỉnh, huyện tổ chức dạy nghề cho 1.410 lao động. Những ngành nghề được đào tạo chủ yếu là: thêu ren, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau sạch, may công nghiệp…
Ngoài công tác dạy nghề, huyện còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân các nguồn vốn vay cho học viên như: vốn vay hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, nguồn vốn vay học sinh sinh viên...
Ông Đỗ Văn Thuần – Chủ tịch Hội Nông dân xã Công Lý (huyện Lý Nhân, Hà Nam) chia sẻ, nhờ làm tốt công tác dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà từ năm 2017 tới nay đã có gần 300 lao động ở xã được học nghề. Hầu hết học viên sau học nghề đều làm nghề cũ nhưng cho năng suất và thu nhập cao hơn trước. “Điều dễ nhìn thấy là sau các lớp tập huấn, những học viên được vay vốn đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập tại hộ gia đình. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, xây dựng mô hình điểm trong phát triển kinh tế ở địa phương” – ông Thuần nói thêm.