Dân Việt

Các cơ quan quản lý buông lỏng trách nhiệm

07/12/2011 06:20 GMT+7
(Dân Việt) - Việc phát hiện 11 doanh nghiệp bán xăng “bẩn” đang đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý cũng như ở khía cạnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

PV NTNN trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Chính - Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM.

Ông có bình luận gì sau khi phát hiện các doanh nghiệp trên địa bàn pha trộn xăng kém chất lượng bán cho người tiêu dùng?

- Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, người tiêu dùng không có điều kiện, phương tiện để xác nhận chất lượng, để biết rằng sản phẩm mình mua để sử dụng tiêu chuẩn, chất lượng ra sao. Tóm lại là người tiêu dùng không rõ về chất lượng, do đó độ rủi ro cao, đòi hỏi phải có sự quản lý đặc biệt của các cơ quan chức năng về xăng dầu.

img

Nói như vậy có nghĩa là trong vụ việc 11 doanh nghiệp ở TP.HCM bị phát hiện bán xăng dầu kém chất lượng, các cơ quan quản lý đã “buông lỏng” trách nhiệm?

- Tôi cho rằng trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường và Cục Kiểm định chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Nếu kiểm tra thường xuyên, thậm chí là đột xuất thì chắc chắn sẽ phải phát hiện ra sự gian dối từ lâu rồi. Như vậy rõ ràng công tác quản lý có vấn đề.

Còn nguyên nhân sâu xa hơn thì tôi cho rằng ở đây có chuyện đặt lợi ích nhóm lên trên quyền lợi người tiêu dùng. Chúng ta ai cũng biết, xăng A83 đã dừng sử dụng trong nước từ lâu. Hầu hết các phương tiện trên bộ không dùng nữa, mà chỉ một số ít các phương tiện đường thủy còn dùng.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng nhiều lần có văn bản yêu cầu doanh nghiệp không sản xuất xăng A83 nữa, nhưng nhiều năm qua vẫn có một doanh nghiệp được sản xuất đó là Saigon Petro.

Sau sự việc này, theo tôi nên nghiêm túc đặt lại vấn đề có nên để doanh nghiệp sản xuất xăng A83 nữa hay không, mặc dù ai cũng biết Saigon Petro là doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - ông Nguyễn Văn Đồng cho biết, Sở đã cho kiểm tra sơ bộ với một số lượng nhỏ các cây xăng trên địa bàn, nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện cửa hàng bán xăng kém chất lượng. Công tác kiểm tra vẫn đang được tiếp tục tiến hành.

Xuân Trang

Phương án xử lý các doanh nghiệp này mới chỉ là rút giấy phép kinh doanh 6 tháng, theo ông làm như vậy có hiệu quả hay không? Và người tiêu dùng bị dùng xăng “bẩn” cũng như của Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng cần có phản ứng như thế nào?

- Tôi cho rằng, việc xử lý doanh nghiệp vi phạm như vậy là quá nhẹ. Bởi ở đây có dấu hiệu lừa đảo, chứ không chỉ là làm ăn gian dối.

Người tiêu dùng nên có hành động “tẩy chay” các doanh nghiệp lừa đảo như vậy, bởi đó là cách tốt nhất để bảo vệ mình và buộc các doanh nghiệp phải “chùn tay” mỗi khi có ý định đánh lừa người tiêu dùng. Thiệt hại cho người tiêu dùng là quá lớn, vừa làm hại phương tiện vừa trục lợi từ tiền túi của người tiêu dùng.

Về phía Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi sẽ lên phương án khiếu kiện nếu có sự ủy quyền của người tiêu dùng. Trước mắt, chúng tôi đang triển khai Chương trình “Những doanh nghiệp được người tiêu dùng tin cậy” dựa trên nhiều tiêu chí. Với chương trình này, các doanh nghiệp làm ăn gian dối, không trung thực chắc chắn sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay.

Xin cảm ơn ông!