Được biết, đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội na Chi Lăng năm 2018. Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ rau, quả Việt Nam – Trung Quốc năm 2018 tại TP.Lạng Sơn; tổ chức tham quan vùng sản xuất na Chi Lăng, các mô hình vườn na mẫu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổ chức hội thảo “Hiệu quả trong xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”; tổ chức trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm na Chi Lăng.
Sản phẩm na Chi Lăng sẽ đổ bộ Thủ đô vào tháng 8 tới. Ảnh: Zing.
Ngày hội na Chi Lăng sẽ được tổ chức tại Trung tâm giới thiệu nông sản huyện Chi Lăng, thôn Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng.
Riêng Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội với khoảng 20 gian hàng giới thiệu sản phẩm na và các đặc sản khác của Lạng Sơn.
Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn tỉnh là 20.000ha, trong đó, riêng cây na khoảng 2.800ha, sản lượng đạt trên 26.000 tấn, giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng. Trong đó, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 151,96ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 5ha; diện tích còn lại đều được cam kết sản xuất an toàn theo quy định của Bộ NNPTNT. Dự kiến, sản lượng na năm 2018 đạt 27.000 tấn, trong đó sản lượng na theo tiêu chuẩn VietGAP 1.500 tấn, theo tiêu chuẩn GlobalGAP 48 tấn.
Năm 2011, sản phẩm na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận đăng kỹ nhãn hiệu. Năm 2013, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục đặc sản na Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Họp báo giới thiệu Tuần lễ quảng bá sản phẩm na Chi Lăng tại Hà Nội.
Cây na dai Chi Lăng được bà con trồng tập trung tại các xã, thị trấn của 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng trên những sườn núi đá vôi, thung lũng, trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để duy trì diện tích năng suất và sản lượng na Chi Lăng, trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với các viện nghiên cứu, sở ngành liên quan triển khai nhiều đề tài khoa học về phục tráng, phát triển, phòng trừ sâu bệnh cho na; mở các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc na, kỹ thuật đốn tỉa cành, thụ phấn.
Đến nay, nhiều hộ đã sử dụng kỹ thuật mới để nâng cao năng suất cho na, vào khoảng trung tuần tháng 11 sẽ đốn bỏ toàn bộ cành cao, chỉ để na cao khoảng 1,5 – 1,8m và cắt bớt cành cho thoáng. Nhờ đó, na sẽ chống chịu được mưa gió, không tốn thức ăn để nuôi cành vô hiệu, quả ra tập trung…
Bà Nhàn cho biết thêm, na Chi Lăng nổi tiếng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, khi chín có mẫu mã đẹp, ăn ngon, lượng hạt ít cùi nhiều, hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao. Với giá bán trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, thời điểm đầu vụ có khi lên đến 60.000 – 80.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn có thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Na Chi Lăng là 1 trong 50 sản phẩm trái cây ngon nhất Việt Nam. Ảnh: IT.
Tuy nhiên, theo bà Nhàn, việc sản xuất na của người dân Chi Lăng vẫn gặp nhiều khó khăn do một số nơi lợi dụng chất lượng, uy tín na Chi Lăng để bán sản phẩm na trồng ở vùng khác dưới cái tên na Chi Lăng khiến hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng.
“Chính vì vậy, trong Ngày hội na Chi Lăng sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ gắn mã truy xuất nguồn gốc để giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được đâu là sản phẩm thật”, bà Nhàn cho biết thêm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng tích cực vận động người dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Đến nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chi Lăng tổ chức được 45 hội nghị với 1.739 lượt người được nghe tuyên truyền, kiến thức về sản xuất na an toàn theo hướng VietGAP. Hợp đồng với Trung tâm chất lượng nông lâm sản vùng 1 xây dựng kế hoạch để tổ chức chứng nhận lại các diện tích sản xuất na theo quy chuẩn VietGAP.