Trái “thiên đường” đắt hàng
“Gấc hữu cơ đang đắt hàng? Không dám đâu, chỉ là sử dụng phân bò cấy nấm vi sinh chứ chưa thể gọi là chuẩn hữu cơ” - ông Việt nói. Có lẽ sự thành thật mà ông Việt trở thành đầu mối tin cậy, trong khi nhiều nơi khác đang bí đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Việt (trái) - người kiên trì phát triển gấc thành cây “sinh kế bền vững”. Ảnh: H.L
Ông Việt trồng tại nhà 40 gốc ghép (giống Long Định 2 và gấc lai của viện Cây ăn quả miền Nam). 3 năm nay, mỗi năm ông thu nhập 60 - 70 triệu đồng từ vườn gốc. Ông cho hay, mỗi công đất có thể trồng từ 32 – 40 gốc, giá mỗi gốc 15.000 – 20.000 đồng, người nghèo có thể sống được. |
Gấc được mệnh danh là trái “thiên đường” vì chứa dược tính chống lão hoá, trước đây loại trái này chỉ được coi là một thứ gia vị để nấu xôi, bánh kẹo. Nay, nhờ giá trị dược tính, gấc được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, lấy dầu gấc với thành phần vitamin A và E, hàm lượng carotenoids trong màng hạt gấc (khoảng 480 – 497mg/g); đặc biệt hàm lượng Lycopene cao (từ 380 – 408mg/g) gấp 10 lần của cà chua, và được xem là ưu thế khi bào chế dược phẩm chống lão hoá. Rễ gấc (có tên gọi khác là phòng kỷ nam) là dược liệu dùng để làm thuốc chữa đau lưng, mỏi gân cốt.
Ông Việt cho hay, hạt gấc (mộc miết tử) lấy từ quả chín có thể chế biến thành bột khô hoặc ép dầu, đều là những dược liệu quý, giá vườn là 15.000 đồng/kg, còn giá bán tại TP.HCM là 30.000 đồng/kg. 10kg trái lấy được 1kg gấc nguyên liệu; còn đối với nhà xuất khẩu, 12kg gấc màng (gấc sấy rồi tách hạt) phải lấy được 1kg dầu.
Bắt đầu từ một dự án
Chất lượng gấc phụ thuộc giống và đất. Nhiều nông dân trồng gấc lạm dụng phân bón hoá học hoặc dùng chất kích thích làm gấc chín sớm, chất lượng kém. Cây gấc không phù hợp ở Trà Vinh, nông dân không có đầu ra, nhiều báo cáo đề cập. Vì vậy, nhiều lần ông Việt kiến nghị đưa cây gấc vào cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, là “cây sinh kế” của nhà nghèo, đều bị “bỏ qua”.
Nhưng dự án Thích ứng biến đổi đồng bằng sông Cửu Long (AMD) do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ, lại cho rằng: “Cây gấc có thể giúp xoá nghèo một cách bền vững”. Mô hình trình diễn thâm canh gấc tại Trà Vinh có diện tích 9ha với 33 hộ tại các xã Hiệp Hoà và Trường Thọ (Cầu Ngang) và xã Phương Thạnh (Càng Long) cùng tham gia. Họ được dự án hỗ trợ theo định mức khuyến nông gồm: 100% giống và 30% vật tư, cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình suốt thời gian thực hiện. Kinh phí hỗ trợ là 690 triệu đồng.
Lứa đầu thu hoạch vào tháng 7.2016, năng suất trung bình khoảng 50 tấn/ha, giá bán theo hợp đồng tối thiểu 7.000 đồng/kg (hiện nay thương lái giao tại TP.HCM với giá 12.000 đồng/kg). Tính ra, với mỗi ha gấc, người trồng lời khoảng 270 triệu đồng/năm trở lên, cao gấp 5 lần so với trồng lúa và 3 lần so với trồng màu. Từ năm thứ 2 trở đi, gấc sẽ cho năng suất trên 60 tấn/ha/năm. Chi phí vật tư đầu vào chỉ khoảng 2.500 – 3.000 đồng/kg gấc, nhờ nông dân dùng phân bò cấy nấm trichoderma của các nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu.
Khi kết quả được dự án AMD công bố, cây gấc mới có “đường sống”. “Khi có ý kiến cho rằng cây gấc không thể phát triển được, tôi giải trình cực lắm! Tôi phải mất nhiều năm lên TP.HCM tìm người mua với những tiêu chuẩn cho từng loại” - ông Việt cho hay.
Ông Việt trồng tại nhà 40 gốc ghép (giống Long Định 2 và gấc lai của Viện Cây ăn quả miền Nam). 3 năm nay, mỗi năm ông thu nhập 60 – 70 triệu đồng từ vườn gốc. Ông cho hay, mỗi công đất có thể trồng từ 32 – 40 gốc, giá mỗi gốc 15.000 – 20.000 đồng, người nghèo có thể sống được. Ông Thomas Rath - Giám đốc chương trình IFAD tại Việt Nam, hài lòng với kết quả này.
Kỹ sư Việt sắp nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục chứng minh “gấc là cây sinh kế cho người nghèo”. “Nếu tôi không kiên trì là đã đẩy cây “thiên đường” xuống địa ngục” - ông Việt nói.
Ông Nguyễn Công Suất - Giám đốc Công ty CP Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam, người được mệnh danh là “vua gấc” ở Việt Nam hiện nay, cho biết: Gấc là cây dễ trồng, có thể sống ở mọi địa hình từ bờ giậu, bờ rào cho đến bờ mương, đồi núi… chỗ nào gấc cũng có thể leo được, chi phí đầu tư lại thấp, không phải phun thuốc trừ sâu. Hiện nguồn nguyên liệu gấc dùng để chế biến ra dầu rất thiếu do gấc khó trồng tập trung ở một vùng, một khu nào cả, mà được trồng rải rác ở nhiều nơi. “Như công ty chúng tôi đã xây dựng được vùng nguyên liệu gấc hàng nghìn ha ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và mới đây, tôi cũng đã cho phát triển ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang. Ở những nơi đã trồng, gấc đều phát triển rất tốt, cho hiệu quả kinh tế cao” - ông Suất cho hay. Nguyên Linh |