Dân Việt

Học nhiều điều hay từ “tam nông” Nhật Bản và Hàn Quốc

Phương Đông (thực hiện) 19/06/2018 13:33 GMT+7
Trong tháng 4 vừa qua, đoàn công tác của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) do đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng chí Thào Xuân Sùng đã dành cho phóng viên NTNN những chia sẻ về kết quả và thu nhận từ 2 chuyến công tác quan trọng này.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho biết, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đoàn cán bộ của Hội NDVN đã thăm và làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc từ ngày 16 - 26.4. Bên cạnh việc tăng cường công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân theo chủ trương của Đảng, chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm mục đích nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, các bài học kinh nghiệm, các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, xây dựng nông thôn; mô hình tổ chức hoạt động của các tổ chức nông dân.

img

Chủ tịch Thào Xuân Sùng thăm mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch của làng Samuro (Hàn Quốc).  Ảnh: Xuân Định

Ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc còn khuyến khích doanh nghiệp mở nhà máy, xí nghiệp ở nông thôn theo hướng sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ để thực hiện phương châm “Không ly nông, bất ly hương” với yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và văn minh.

Kết quả nghiên cứu sẽ phục vụ cho việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kết quả nghiên cứu cũng phục vụ việc xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII. Thông qua kết quả nghiên cứu từ chuyến thăm, làm việc của đoàn tại Nhật Bản và Hàn Quốc để Hội NDVN làm cơ sở đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ một số giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới…

Chú trọng chính sách phát triển “tam nông”

Chủ tịch có thể chia sẻ nội dung làm việc, nghiên cứu của đoàn tại các đơn vị ở Nhật Bản và Hàn Quốc?

- Tại Hàn Quốc, đoàn đã đến thăm, làm việc với Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc; Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc; Chợ đầu mối nông sản Garak; Chợ đấu giá hoa Yangae; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổng hợp-AT; Công ty Thủy sản Neobiz; Công ty Công nghệ Hàn Quốc; làng nông thôn mới Samunro và gặp gỡ nông dân.

Tại Nhật Bản, đoàn đã thăm, làm việc với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm quốc gia; Viện Kỹ nghệ nông thôn; Viện Rau hoa và làm vườn; Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản; thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao và gặp gỡ nông dân tỉnh Shizuoka…

Mục đích đến thăm, làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp nói trên của đoàn vừa để nghiên cứu những vấn đề kinh tế nông nghiệp vĩ mô của Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời cũng nắm, tìm hiểu, tham khảo những mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, xây dựng nông thôn mới cụ thể tại 2 quốc gia này.

Nội dung làm việc của đoàn tại Nhật Bản và Hàn Quốc tập trung tìm hiểu tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển, các bài học kinh nghiệm của bạn trong xử lý các vấn đề này. Đoàn cũng tìm hiểu các cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó tập trung vào các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực…

Đoàn công tác cũng tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của các tổ chức nông dân, đặc biệt là hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân; mối quan hệ giữa các tổ chức nông dân với Chính phủ.

Một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc của đoàn công tác Hội NDVN là gặp gỡ, trao đổi, thảo luận trực tiếp về cơ hội hợp tác giữa Hội NDVN và các đối tác tại Nhật Bản và Hàn Quốc…

Mặc dù là 2 quốc gia phát triển hàng đầu khu vực châu Á và thế giới, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng nan giải là già hóa dân số. Vấn đề xã hội này tác động thế nào đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và 2 nước xử lý vấn đề này thế nào, thưa Chủ tịch?

- Điểm chung của 2 nước là diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, diện tích đất trồng lúa không lớn nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tỷ lệ dân số làm nông nghiệp thấp, cũng như ở các khu vực khác của nền kinh tế, lao động nông nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc đang bị già hóa, thiếu lao động nông nghiệp trầm trọng, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị gia tăng. Tại Hàn Quốc, nông dân trên 60 tuổi chiếm 50%, còn ở Nhật Bản nông dân 70 tuổi chiếm tới 42% số lao động nông nghiệp.

Ngoài nguyên nhân do tình trạng già hóa dân số thì việc thiếu hụt lao động trẻ khỏe ở nông thôn, trong nông nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc còn do thanh niên không muốn làm nông nghiệp, không thích sống ở nông thôn vì làm nông nghiệp hiện có thu nhập chỉ bằng 60% so với mức thu nhập của nông dân. Mặc dù nông thôn ở 2 quốc gia này có điều kiện sống không thua kém thành phố. 

Hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt lao động trong nông nghiệp, thu hút thanh niên làm nông nghiệp, giảm chênh lệch mức sống, thu nhập giữa thành thị và nông thôn như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, gia tăng giá trị sản phẩm ở từng khâu trong chuỗi giá trị, phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, tiếp nhận thực tập sinh từ nước ngoài…

Ở Hàn Quốc, Chính phủ thực hiện chính sách “Quy điền, quy nông” thu hút lao động trí thức trẻ trở lại định canh, định cư ở nông thôn… Tất cả các giải pháp chính sách của Nhật Bản và Hàn Quốc đều nhằm thực hiện phương châm “không ly nông, bất ly hương” ở nông thôn.

Những chính sách của Nhật Bản, Hàn Quốc có thể rất hữu ích để Việt Nam nghiên cứu nhằm tranh thủ tốt nhất thời kỳ dân số vàng và chuẩn bị các giải pháp hiệu quả nhất giải quyết tình trạng già hóa dân số sau này.

Chủ tịch có thể chia sẻ một số giải pháp, chính sách của Nhật Bản, Hàn Quốc về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn để khu vực này thực sự hấp dẫn đối với người dân, nhất là lao động trẻ?

- Hai nước đều quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tập trung phát triển nông nghiệp thông minh và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Ngay từ giai đoạn đầu phát triển nông nghiệp, cả 2 nước đều quan tâm cử chuyên gia, nông dân đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, các trưởng thôn, trưởng làng hầu hết đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học, do dân bầu lên và phần lớn họ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Hai nước đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu, phát triển, đẩy nhanh việc chuyển giao, ứng dụng giống mới, sản phẩm mới, công nghệ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin. Nhật Bản, Hàn Quốc tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong nghiên cứu cũng như trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp để từ đây nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Hai nước đều có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ sản xuất hướng tới xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài để sản xuất và đưa sản phẩm về nước hoặc xuất sang nước thứ ba. Điều khác biệt là, ở Nhật Bản, doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp phải hợp tác với một tổ chức nông dân để thành lập công ty nhằm tránh tình trạng công ty bỏ nông nghiệp khi kinh doanh khó khăn. Ngoài ra, các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều được giao cho doanh nghiệp xây dựng. Ở Hàn Quốc, thực hiện chủ trương “Mỗi làng một doanh nghiệp”, gắn kết doanh nghiệp với nông dân thông qua văn phòng kết nối.

Ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc còn khuyến khích doanh nghiệp mở nhà máy, xí nghiệp ở nông thôn theo hướng sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ để thực hiện phương châm “Ly nông, bất ly hương” với yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và văn minh. Đây thực sự là những kinh nghiệm quý trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của Nhật Bản và Hàn Quốc mà Việt Nam cần học hỏi, tham khảo, hợp tác ứng dụng trong bối cảnh thời kỳ dân số vàng và có yếu tố thuận lợi về đới khí hậu, chủng loại đất đa dạng, phong phú…

Triển vọng tốt đẹp từ mối quan hệ hợp tác

img

  Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác tìm hiểu kỹ thuật làm giá thể cây cà chua tại mô hình công nghệ cao của Công ty Sunfarmers (Nhật Bản).  Ảnh: X.Đ

"Các cơ quan, đơn vị, cá nhân mà đoàn tiếp xúc đã hiểu rõ hơn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những cơ hội, thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, đặc biệt là hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…”.

Đồng chí Thào Xuân Sùng -
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN

Về hình thức tập hợp nông dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả cũng như hình thức tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, nông thôn của Nhật Bản, Hàn Quốc có gì đáng chú ý, thưa Chủ tịch?

- Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, hầu hết nông dân tham gia hợp tác xã (HTX), chỉ có một bộ phận nhỏ nông dân sản xuất ở quy mô lớn mới không tham gia HTX. Các HTX nông nghiệp được phát triển theo lộ trình từ thấp lên cao, có thể trãi qua giai đoạn tổ hợp tác. Vai trò làm chủ của xã viên được phát huy cao độ.

Về vấn đề tiêu thụ nông sản, hàng hóa nông nghiệp,  Nhật Bản, Hàn Quốc đều tập trung đầu tư phát triển các chợ bán buôn, chợ đấu giá nông sản để rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo đảm bảo người sản xuất bán được sản phẩm đúng với giá trị và người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý. Các chợ bán buôn, chợ đấu giá do doanh nghiệp nhà nước đứng ra quản lý. Chất lượng sản phẩm được quản lý nghiêm ngặt ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Nhà nước đầu tư 80% chi phí đầu tư xây dựng ban đầu và 60% chi phí nâng cấp, cải tạo các chợ. Nông dân được tư vấn, hỗ trợ các thông tin về giá cả thị trường, phương án sản xuất kinh doanh miễn phí; được hỗ trợ 90% kinh phí để ghi hình, quảng bá sản phẩm của mình…

Chủ tịch có thể chia sẻ một số kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm, làm việc của đoàn công tác Hội NDVN tại Nhật Bản và Hàn Quốc vừa qua?

- Trước hết phải khẳng định, chuyến công tác của đoàn đã góp phần củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và 2 nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân mà đoàn tiếp xúc đã hiểu rõ hơn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những cơ hội, thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, đặc biệt là hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…

Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm quốc gia Nhật Bản, Liên minh HTX nông nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, hợp tác với Hội NDVN trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ thông qua hình thức trao đổi đoàn, thực tập sinh, đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại Nhật Bản và tại Việt Nam, hợp tác xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho nông dân Việt Nam, sản xuất nông sản tại Việt Nam đưa về Nhật Bản hoặc xuất sang nước thứ 3. Trước mắt, các tổ chức này sẽ cử các chuyên gia sang chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn với Hội NDVN.

Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản cam kết hợp tác với Hội NDVN và các cơ quan liên quan tổ chức đưa thực tập sinh là con em nông dân sang làm việc và học tập tại các trang trại, HTX ở Nhật Bản; mỗi năm đào tạo 100 cán bộ trẻ của Hội NDVN tại Nhật Bản…

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ủng hộ quan hệ hợp tác giữa các đối tác Nhật Bản và Hội NDVN, cam kết sẽ phối hợp với Hội NDVN và các đối tác Nhật Bản sớm hiện thực hóa các chương trình hợp tác trên.

Công ty công nghệ Hàn Quốc (Agerigna) cam kết đầu tư khoảng 3 triệu USD để hợp tác với Hội ND xây dựng “Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nông dân” thuộc Hội NDVN nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cho nông dân về các lĩnh vực liên quan đến sản xuất kinh doanh nông nghiệp, như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thông tin giá cả, thị trường; kết nối cung cầu giữa người sản xuất và người tiêu dùng; thúc đẩy liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp và các thành phần trong chuỗi giá trị; chia sẻ các kinh nghiệm hay, mô hình tốt; cung cấp các thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, giáo dục con cái, du lịch. Mọi thông tin của Trung tâm cung cấp do Hội NDVN quyết định. Nông dân, các tổ hợp tác, HTX sẽ được cung cấp thông tin miễn phí.

Ngoài ra, các đối tác Hàn Quốc cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông thôn với Hội NDVN, hợp tác xây dựng các chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản, chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản cho Việt Nam…

Xin cảm ơn Chủ tịch!