VnIndex tụt sâu dưới ngưỡng 1.000 điểm
Sau khi VnIndex mất hơn 29 điểm và xuyên thủng mất mốc 1.000 điểm trong phiên hôm qua (18.6), tưởng rằng lực cầu bắt đáy sẽ xuất hiện trong phiên sáng hôm nay (19.6), song trái lại nhà đầu tư tiếp tục bán mạnh tay, VnIndex lại mất trên dưới 20 điểm chỉ trong ít phút mở cửa.
Hầu hết các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trong thời điểm đầu phiên giao dịch sáng 19.6 đều giảm sâu, ngoại trừ một vài cái tên đi ngược thị trường đáng chú ý như SAB tăng 1.800 đồng hay VHM dừng tại tham chiếu.
Những thông tin về khối ngoại bán ròng, cũng như lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng, tỷ giá tăng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý thị trường.
Sau những phút giảm sâu đầu phiên, lực cầu bắt đáy dần xuất hiện giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Tuy vậy, cầu bắt đáy là không quá mạnh, thanh khoản thị trường ở mức thấp.
VnIndex tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch sáng 19.6
Các cổ phiếu tăng nóng thời gian qua như DXG, HBC, LDG giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị bán mạnh, trong đó có VPBank (VPB), ACB. Cổ phiếu VPBank có lúc giảm sàn xuống 28.200 đồng/cp. Ngân hàng này vừa thực hiện chia tách cổ phiếu thông qua cổ phiếu thưởng và cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, so với mức giá đỉnh cao (đã điều chỉnh), cổ phiếu VPB đã giảm khoảng 17%.
Ở nhóm Bluechips, hàng loạt cổ phiếu như VHM, VIC, PNJ, MSN, VJC, PLX, VNM…đều giảm mạnh khiến thị trường thiếu đi lực đỡ. HDB là điểm sáng hiếm hoi khi ngược dòng tăng 600 đồng.
Trụ đỡ của thị trường là nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn không có mã nào tăng điểm, nhóm bluechip VN30 duy nhất KDC tăng 0,9% lên 33.400 đồng, còn lại 29 mã giảm.
Trong đó, giảm sâu nhất có GAS (5,6%) xuống 85.000 đồng, ROS giảm 6,4% xuống 51.500 đồng, MWG giảm 4,1% xuống 113.200 đồng, SSI giảm 4,8% xuống 29.750 đồng, HPG giảm 4,5% xuống 38.400 đồng, khớp hơn 5,33 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn sàn HOSE, và cũng là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với hơn 1,6 triệu đơn vị.
Phiên giao dịch buổi sáng 19.6 khép lại với sắc đỏ bao trùm toàn thị trường. Những nỗ lực bắt đáy yếu ớt không đủ giúp thị trường tránh khỏi một phiên giảm sâu.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 19.6, TTCK Việt Nam chứng kiến chỉ số VnIndex giảm 26,4 điểm (2,67%) xuống 960,94 điểm; Hnx-Index giảm 3,75 điểm (3,31%) xuống 109,3 điểm và Upcom-Index giảm 0,82 điểm (1,56%) xuống 51,74 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá thấp với giá trị khớp lệnh 3 sàn chỉ đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Số mã giảm điểm trên toàn thị trường hiện đang áp đảo hoàn toàn với 403 mã, trong khi số mã tăng điểm vỏn vẹn 82. Riêng sàn HOSE chỉ có 42 mã tăng và có tới 229 mã giảm.
TTCK Việt Nam bốc hơi 92.000 tỷ, khối ngoại có rút khỏi Việt Nam?
Việc FED đã chính thức nâng lãi suất cơ bản lần thứ hai trong phiên họp ngày 13.6 khiến đồng USD bật tăng vượt đỉnh năm nay, đồng thời khiến nguồn vốn nước ngoài đang tháo chạy khỏi 6 TTCK mới nổi ở khu vực châu Á gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã làm dấy lên quan ngại sẽ gây tác động mạnh đến TTCK Việt Nam trong những ngày này.
Theo thống kê, phiên giao dịch ngày 18.6 là lần thứ hai TTCK Việt Nam chứng kiến chỉ số VnIndex tụt xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm trong năm 2018.
Nói về diễn biến thị trường chứng khoán, Chủ tịch UBCKNN, ông Trần Văn Dũng cho rằng việc TTCK Việt Nam bị ảnh hưởng chung của TTCK thế giới và chịu điều chỉnh là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, so sánh với các thị trường như Nhật Bản hay Thượng Hải thì mức độ điều chỉnh của ta chậm hơn.
Theo ông Dũng, khi FED tăng lãi suất, tất yếu các quỹ sẽ rút đầu tư về và… “cố thủ”. Tuy nhiên, họ không thể rút hết được và vẫn chọn những thị trường mới nổi và cận biên để tiếp tục đầu tư.
“Đưa tiền vào Singapore thì không biết làm gì để có khả năng sinh lời cho tốt, mảnh đất nhỏ, mọi thứ phát triển đến độ bão hòa. Thái Lan và Malaysia cũng đang đổ về Việt Nam để đầu tư. Dù sao Việt Nam tiềm năng phát triển đang tốt, có lợi thế, cơ hội đầu tư đang có những lợi thế so sánh. Người Thái và Malaysia đang đến đây”. Ông Dũng nói.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính chung đến nay dòng vốn vào vẫn đang nhiều hơn dòng tiền ra và tiền vẫn đang nằm ở đây. Dòng vốn vào của nhà đầu tư ngoại, trong nửa đầu năm nay 2018 đã vào lần lượt như sau: tháng 1 vào 670 triệu USD, tháng 2: rút ra 32 triệu USD, tháng 3: vào 270 triệu, tháng 4: vào 617 triệu, Tháng 5: vào trên 700 triệu USD.
Tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam đã bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Việc thị trường bốc hơi hơn 92.000 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD) trong phiên giao dịch ngày 18.6 và tiếp tục đà giảm trong sáng 19.6 đã khiến tài sản chứng khoán của các tỷ phú USD Việt Nam đều bốc hơi mạnh.
Trong đó, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, người phụ nữ giàu nhất Việt Nam bốc hơi khoảng 2.000 tỷ đồng sau 3 phiên giao dịch gần nhất. Tổng tài sản của bà Thảo theo tính toán của Forbes tới 18.6 chỉ còn 2,9 tỷ USD, mất khoảng 1 tỷ USD so với đỉnh cao.
Tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 21.700 tỷ đồng (khoảng 950 triệu USD) do cổ phiếu ROS giảm từ 180.000 đồng xuống còn 52.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại.
Tỷ Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cũng có tài sản bốc hơi khoảng 1.600 tỷ đồng trong hai phiên vừa qua.
Tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng có lẽ là người chịu ít thiệt hại nhất. Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện nay tính theo cổ phiếu trên sàn trị giá khoảng 190.000 tỷ đồng (khoảng 8,3 tỷ USD), còn theo Forbes tới 18.6 là 6,8 tỷ USD (xếp 236 trên thế giới).