Dân Việt

Kiên Giang: Trồng rừng ngăn sạt lở, liệu có thắng nổi thiên nhiên?

Lê Huy Hải 21/06/2018 18:45 GMT+7
Bảo vệ môi trường biển, ngăn chặn sạt lở ven biển, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn năm 2030, tỉnh Kiên Giang xây dựng 13 dự án; trong đó, có 3 dự án được phê duyệt, triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư 2.215 tỷ đồng.

Các dự án gồm: Đầu tư nâng cấp đê biển từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh); khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển; quản lý tổng hợp vùng bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, mặc dù mới triển khai thực hiện còn nhiều những khó khăn, bất cập nhưng dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang bước đầu phát huy hiệu quả, tác dụng tích cực trong ngăn chặn sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

img

Kiên Giang trồng rừng phòng hộ ven biển.

Trên đoạn bờ biển An Biên – An Minh, tỉnh Kiên Giang từ Mũi Rãnh, xã Tây Yên (An Biên) đến rạch Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh) dài 60 km, tiếp giáp với tỉnh Cà Mau, Sở NNPTNT Kiên Giang triển khai dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Ông Trần Phi Hải, Giám đốc Ban Quản lý rừng An Biên – An Minh cho biết, Ban Quản lý rừng An Biên – An Minh được giao nhiệm vụ thực hiện dự án này với 2 tiểu dự án là khôi phục, phát triển rừng phòng hộ toàn tuyến ven biển và gây bồi tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển. Đến thời điểm này đã trồng được 290 ha rừng mắm khu vực bãi bồi ven biển và 88 ha rừng đước khu vực giao khoán cho hộ dân. Dự án gây bồi tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái, huyện An Biên đã trồng 35 ha rừng mắm.

Kết quả ban đầu, tỷ lệ sống của cây trồng đạt 85% trở lên, góp phần khôi phục phát triển rừng phòng hộ ven biển, ngăn chặn và khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển. Đồng thời, tăng nhanh quá trình lấn biển, bảo vệ sản xuất lâm – ngư kết hợp bên trong đai rừng phòng hộ của người dân an toàn, bền vững và hiệu quả.

Ông Trần Phi Hải cho biết thêm, triển khai dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, Ban Quản lý rừng An Biên – An Minh khảo sát địa hình trồng rừng toàn tuyến. Theo đó, khu vực bãi triều, bãi bồi đủ điều kiện trồng rừng, đảm bảo cây sống, sinh trưởng và phát triển tốt tiến hành trồng rừng mắm. Vì cây mắm khi bám rễ sống, trụ vững trên mặt đất xanh tốt có “đặc tính” giữ đất ổn định, tạo bãi bồi, lấn dần ra biển và theo sau cây mắm là những loài cây ngập mặn khác như: đước, bần, sú, vẹt,… mọc lên phát triển thành rừng. Khu vực ven biển xung yếu, áp dụng mô hình làm hàng rào chắn bằng tre, cừ tràm bên ngoài để gây bồi, tạo bãi trồng cây mắm.

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện hai tiểu dự án khôi phục, phát triển rừng phòng hộ ven biển và gây bồi tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển, Ban Quản lý rừng An Biên – An Minh chuẩn bị triển khai các dự án của WB và Ngân hàng tái thiết Đức khôi phục, phát triển rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn 2 huyện An Biên và An Minh.

Ngoài ra, Ban Quản lý rừng An Biên – An Minh tuyên truyền, vận động hộ dân nhận khoán đất rừng sản xuất lâm – ngư kết hợp tiếp tục trồng dặm những nơi cây bị chết để rừng đảm bảo tỉ lệ 7/3 theo quy định. Qua đó, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển đạt hiệu quả, tăng khả năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng nhanh quá trình lấn biển, ngăn chặn và khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, sản xuất lâm – ngư an toàn, bền vững, hiệu quả.

Theo Sở NNPTNT Kiên Giang, tỉnh có bờ biển dài khoảng 200 km, từ Mũi Nai (TX. Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh), tiếp giáp với tỉnh Cà Mau. Qua khảo sát, tổng chiều dài các đoạn bị sạt lở khoảng 70 km, chiếm hơn 1/3 toàn tuyến bờ biển, trong đó hơn 30 km sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh có bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng nhất.

Tổng diện tích bờ biển, bãi bồi ven biển bị sạt lở trong 10 năm qua hơn 500 ha, chiều rộng bị sạt lở mất đi đai rừng phòng hộ ven biển từ 60 – 300 m, có nơi hơn 500 m. Hiện nay, nhiều khu vực bờ biển bị sạt lở, sóng nước đánh vào tận chân đê, uy hiếp công trình đê và đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân sinh sống ven biển cần di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.