Dân Việt

Điểm danh các địa phương tăng nợ đọng thuế trên 100 tỷ đồng

Hoàng Nhật 20/06/2018 06:35 GMT+7
Theo Tổng cục thuế, có 60/63 địa phương nợ đọng thuế, tăng nợ thuế so với thời điểm ngày 31.12.2017, trong đó 26/60 địa phương có số nợ tăng lớn trên 100 tỷ đồng, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Định, Đồng Nai, Lào Cai, Bình Dương...

img

Theo Tổng cục thuế, có 26/60 địa phương có số nợ tăng lớn trên 100 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31.12.2017 (Ảnh minh họa)

26 địa phương tăng nợ thuế trên 100 tỷ đồng

Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố cho biết, đến nay tình hình kinh tế đã khởi sắc, sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn so với các năm trước, GDP quý I.2018 của cả nước tăng 7,38%, cao nhất trong vòng 10 năm, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô liên quan đến thu ngân sách tăng khá.

Trong khi đó, doanh nghiệp mới thành lập tăng 1,2% về số lượng và tăng 2,7% về vốn đăng ký; tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tăng 7,2% về vốn so với cùng kỳ; Thị trường bất động sản khởi sắc, thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng.

Tuy nhiên, tình hình nợ thuế không những không giảm mà còn diễn biến theo xu hướng tăng lên qua các tháng.

Tính luỹ kế đến thời điểm 30.4.2018, tổng số tiền nợ thuế của 63 cục thuế tỉnh, thành phố tăng 26,1% so với thời điểm ngày 31.12.2017. Tỷ lệ nợ trên tổng dự toán thu nội địa ở mức 8,4%, cao hơn 3,4% chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2018.

Theo thống kê, số tiền nợ thuế tăng tập trung vào nhóm nợ có khả năng thu (đến 90 ngày và trên 90 ngày), tăng 42,7% so với thời điểm 31.12.2017 và tăng tập trung vào 5 sắc thuế chính bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 99,1%; thuế giá trị gia tăng tăng 12,7%; thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 9,9%; thuế thu nhập cá nhân tăng 42,8% và thuế bảo vệ môi trường tăng 126,6%.

Đáng chú ý, có 60/63 địa phương nợ đọng thuế, tăng nợ thuế so với thời điểm ngày 31.12.2017, trong đó 26/60 địa phương có số nợ tăng lớn trên 100 tỷ đồng, bao gồm: TP. HCM, Hà Nội, Bình Định, Đồng Nai, Lào Cai, Bình Dương, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Thuận, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bà Rịa  - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Long An, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lai Châu, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Nam, Bình Phước, Quảng Bình, An Giang.

Chỉ có 3/63 địa phương giảm nợ thuế là: Kon Tum, Bắc Ninh và TP. Hải Phòng.

Theo Tổng cục Thuế, số thu hồi tiền nợ đọng thuế trong 5 tháng đầu năm 2018 mới đạt 35,7% số nợ thuế có khả năng thu (đến 90 ngày và trên 90 ngày) tại thời điểm 31/12/2017 và thấp hơn cùng kỳ năm 2017.

Nợ đọng thuế tăng do đâu?

Theo lý giải của Tổng cục Thuế, số nợ đọng thuế trong những tháng đầu năm 2018 tăng cao do nguyên nhân khách quan như bởi số tiền nợ cũ dai dẳng, kéo dài của những năm trước tồn đọng không thu hồi được; số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên và tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản; và do một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao.

Ngoài ra, theo Tổng cục Thuế còn nguyên nhân chủ quan khác đó là vẫn còn 1 số đơn vị còn chưa quan tâm chỉ đạo ráo riết, chưa thường xuyên giám sát, đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ.

Rà soát, phân loại nhóm nợ thuế

Tổng cục Thuế cho biết, để đảm bảo thu ngay số tiền nợ thuế mới phát sinh và giảm số tiền thuế nợ đọng, hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ thuế được Quốc hội, Chính phủ đã giao, Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường thực hiện đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Tổng cục Thuế yêu cầu, trước ngày 30.6.2018, lãnh đạo các cục thuế quán triệt, phân công, giao nhiệm vụ đôn đốc, áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với danh sách người nộp thuế nợ thuế có khả năng thu lớn, mới phát sinh tăng cao trong những tháng đầu năm 2018 cho các cấp lãnh đạo và cán bộ tham gia công tác quản lý nợ thuế để thu ngay tiền nợ thuế mới phát sinh, đồng thời tiếp tục thu tiền nợ cũ để giảm số tiền thuế nợ đọng.

Các cục thuế cũng phải thực hiện ngay biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp thuộc các đối tượng phải cưỡng chế nợ thuế, hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo khi đã thực hiện biện pháp cưỡng chế trước, nhưng chưa thu được hoặc chưa thủ đủ tiền thuế nợ, theo danh sách doanh nghiệp đã được Tổng cục Thuế giao từ đầu năm 2018.

Tổng cục Thuế cũng giao các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ phân loại nợ thuế đối với các trường hợp đang phân loại vào nhóm tiền thuế nợ khó thu, nợ đang xử lý, nợ đang chờ điều chỉnh, đảm bảo thực hiện phân loại nợ thuế trên hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) chính xác, đúng tính chất của khoản tiền thuế nợ, có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các cục thuế tập trung chỉ đạo bộ phận kê khai thuế và tin học tổ chức thực hiện rà soát dữ liệu kê khai thuế, chứng từ, biên lai nộp thuế của người nộp thuế, phát hiện ngay những trường hợp dữ liệu kê khai sai, không đúng, nộp sai mục lục ngân sách, sai mã số thuế để điều chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp số nợ sai, nợ ảo...

Đặc biệt, các cục thuế phải điều chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng các khoản nợ đang xử lý, chờ điều chỉnh còn tồn đọng tại thời điểm 30.4.2018 trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31.7.2018; không để tình trạng nợ đang chờ điều chỉnh, nợ đang xử lý kéo dài hàng năm, có khoản nợ nhiều năm mà chưa điều chỉnh.