Tại Hội nghị triển khai đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các tỉnh Tây Nam Bộ do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức sáng nay (19.6) ở TP.HCM, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng buôn lậu đường cát qua biên giới đang ngày càng phức tạp.
Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, dù không phải là “điểm nóng” của đường cát lậu nhưng những năm gần đây, hoạt động buôn lậu đường cát tại địa phương này cũng diễn biến rất căng thẳng.
Đường lậu từ Thái Lan vượt biên sang Việt Nam vẫn còn nguyên bao bì “ngoại”. Sau khi đường cập bến tàu sẽ được các chủ nậu thuê nhân công dùng xe máy chờ sẵn, vận chuyển thẳng đến điểm tập kết là các doanh nghiệp được cấp phép đủ khả năng sang chiết đường cát.
Các đối tượng buôn lậu đường cát dùng xe máy để chở hàng hóa đến điểm sang chiết. Ảnh: Thanh Tuấn.
Tại đây, đường lậu đổ xá và cho vô bao giấy rồi đưa đi tiêu thụ. Thế nhưng, việc kiểm tra, xử lý đường cát trong kho gặp rất nhiều khó khăn, vì các hóa đơn, chứng từ nhập khẩu đường được các đối tượng này “tráo” rất tinh vi.
Theo đó, những hóa đơn, chứng từ nhập khẩu đường thường được sử dụng để quay vòng vận chuyển đường cát nhập lậu nhiều lần. Khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, duyệt hóa đơn thì đối tượng đối phó bằng cách thành lập nhiều cơ sở trong nội địa có mua bán mặt hàng đường cát do người nhà đứng tên, rồi xuất hóa đơn qua lại cho nhau.
Không chỉ đường cát, thuốc lá là một trong những mặt hàng buôn lậu phức tạp tại các tỉnh biên giới khu vực ĐBSCL. Các đối tượng “cửu vạn” thường chia nhỏ các lô hàng dưới 1.500 bao thuốc lá mỗi lần vận chuyển để tránh bị xử lý hình sự khi bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Theo bà Phụng, thuốc lá là mặt hàng gọn, nhẹ, dễ vận chuyển và có mức lợi nhuận “siêu khủng”, lên tới 350% nên các đối tượng tìm đủ cách để đối phó với cơ quan chức năng. Những thống kê gần đây cho thấy, thuốc lá lậu hiện đang chiếm gần 20% thị phần, gây thất thu khoảng 10.000 tỷ tiền thuế/năm.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng thừa nhận, tuyến biên giới của địa phương này giáp với Campuchia, là địa bàn mà các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa… ngày đêm “canh me” để hoạt động, đặc biệt là vào mùa nước nổi.
Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu ở An Giang vẫn là đường cát Thái Lan và thuốc lá ngoại. Các điểm nóng buôn lậu chủ yếu tập trung tại khu vực thị trấn Long Bình (huyện An Phú), thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu).
Cơ quan chức năng bắt giữ xe chở đường cát lậu vào vùng biên giới Việt Nam. Ảnh: Thanh Tuấn.
Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, như tập kết hàng gần khu vực biên giới, sau đó xé lẻ hoặc trộn vào hàng hóa khác, rồi thuê người dân vận chuyển tới các điểm chứa, rồi tuồn sâu vào nội địa.
Vấn đề đặt ra là, dù cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra phòng chống hàng lậu, hàng gian lận thương mại nhưng thực tế, các mặt hàng này vẫn tràn ngập trên thị trường. Liệu có sự chống lưng của cơ quan chức năng trong công tác chống hàng lậu hay không?
Ông Nưng cho rằng, buôn lậu không phải là chuyện mới có, lực lượng chống buôn lậu cũng có mặt ở khắp nơi: trên đất liền có công an; cửa khẩu có bộ đội biên phòng; dưới biển có cảnh sát biển… Thế nhưng hàng lậu vẫn hoành hành.
“Phải chăng, có sự tiếp tay của chính đội ngũ các cơ quan chống buôn lậu? Điều này cần có câu trả lời xác đáng”, ông Nưng nêu vấn đề.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng cho biết, dù ngành chức năng có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp do thế trận bảo vệ an ninh nhân dân còn hạn chế, có lỗ hổng trong công tác phòng chống buôn lậu, phương tiện cho lực lượng chức năng chưa đáp ứng kịp thời…