Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê sinh ngày 1.2.1864, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là con gái thứ tư của nhà thơ nổi danh trong văn học sử Việt Nam Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài bút danh Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút danh khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh,... Bà là nhà thơ kiêm chủ bút nữ đầu tiên của làng báo chí Việt.
Tờ báo “Nữ giới chung” do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX.
Đầu năm 1918, nhận lời mời của viên Tổng lý báo chí Nam Kỳ, Sương Nguyệt Anh lên Sài Gòn làm Chủ bút tờ “Nữ giới chung” nghĩa là “tiếng chuông của nữ giới”. Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1.2.1918 với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội...
Chân dung nữ sĩ, nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh.
Tờ báo tập hợp được những cây bút có tư tưởng tiến bộ, lên tiếng đòi nam nữ bình quyền, thúc giục, vận động giới phụ nữ hãy học hành, đấu tranh đòi được ngang hàng với nam giới...; lấy những gương sáng của phụ nữ các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ để khuyến khích chị em.
Trong một bài bàn về nữ quyền, Sương Nguyệt Anh viết: Chị em ơi!... Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam giới thì (chẳng những) việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, tình thế trong ngoài cũng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng”.
Cũng trên tờ “Nữ giới chung” này, còn có những bài thơ đề cao tinh thần quật khởi của các nữ anh hùng dân tộc như bà Trưng, bà Triệu, hoặc đăng những bài thơ đề cao nữ quyền, trong đó có những câu nói rõ tiêu chí của tờ báo như: “Vang lừng nữ giới những hồi chuông/ Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng”... (Số 8 ra ngày 22.3.1918).
Dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có mềm dẻo và khéo léo đến đâu, nhưng tầm ảnh hưởng của tờ báo này đã khiến bọn mật thám Pháp phải e ngại. Do đó tháng 7.1918 “Nữ giới chung” bị đóng cửa. Như vậy tờ báo chỉ tồn tại trong vòng khoảng 5 tháng.
Đến ngày nay, mỗi khi nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta vẫn thấy ở bà một tấm gương hoạt động cho giới nữ không ngừng nghỉ. Bà là một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ “Nữ giới chung” nhiều vấn đề về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiếp xúc với văn hóa phương Tây, bà Sương Nguyệt Anh rất xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Việt.
Tờ báo "Nữ giới chung".
Nữ sĩ tài danh bậc nhất xứ Nam Bộ
“Mỗi lần nói đến văn học sử Nam Bộ, người ta lại nghĩ tới bà, ngâm những câu thơ tế nhị của bà, nhớ đến tinh thần và chí khí thanh cao mà bà đã nêu gương cho hậu thế. Bà là nữ sĩ Thanh Quan của miền Nam”. Phạm Xuân Độ trong “Nữ thi hào Việt Nam” đã viết những dòng trân trọng như vậy về thi nghiệp của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.
Thơ của bà phần lớn là tiếng thơ của khí tiết. Hầu như bài thơ nào cũng ký thác những tâm sự nữ nhi giữa thời truân chuyên và loạn lạc. Điều khiến cho thơ bà trở nên sâu lắng và có sức gợi qua thời gian chính là tấm lòng chân thành trước cuộc đời. Tuy lời thơ rắn rỏi nhưng hơi thơ vẫn chứa đựng nỗi ngậm ngùi riêng, kín đáo và cảm động. Bên cạnh những lời thơ khảng khái hiếm có ở một nữ sĩ: Ngọc ánh chi nài son phấn đượm/Vàng ròng há sợ mất màu phai; Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa/Ngọc lành chi để thẹn danh ô, là những câu thơ tha thiết âu lo: Biển ái sóng ân còn lắm lúc/Mây ngàn hạc nội biết là nơi. Một dây oan trái rồi vay trả/Mấy cuộc tang thương dễ đổi dời.
Góa chồng ở tuổi 30, rồi mất đi con gái, thơ bà ẩn chứa tiếng khóc thầm không nguôi của một trái tim đa cảm, sầu muộn. Chung thủy với người chồng quá cố cũng là một minh chứng trong toàn bộ tinh thần và lẽ sống của bà: tấm lòng trước sau như một đối với tình đời tình người. Vì thế mà không chỉ dừng lại ở những bài thơ tình tứ, bày tỏ khí tiết, bà còn viết một bài thơ về thời cuộc mà dư âm của nó hẳn không thua kém những bài thơ yêu nước thương dân của thân phụ bà.
Sương Nguyệt Anh vẫn hướng đôi mắt âu lo về những người dân mất nước. Lời thơ chân thành gắn với thời cuộc đã khiến bà được xưng tụng là người phụ nữ “làm rạng danh thêm một gia đình trí thức yêu nước và trở thành tấm gương nữ sĩ trong thời ly loạn”.
Thơ bà để lại gồm thơ chữ Hán; thơ quốc âm; văn tế …nhưng giọng thơ đầy duyên ngầm với hồn thơ chân thật, thanh cao vẫn mang đến cho những bài thơ ngắn ngủi ấy một đời sống rất dài trong lịch sử văn học dân tộc.
Văn tế chồng - mối thành tâm và bản lĩnh văn chương; nếu tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu gắn với những bài văn tế các nghĩa sĩ hy sinh vì nước, Sương Nguyệt Anh cũng được nhắc đến với bài văn tế chồng rất đặc biệt. Bản thân nữ sĩ về cuối đời cũng bốc thuốc cứu người như cha và chồng. Am hiểu đông y, bà đã dùng tên các vị thuốc để viết một bài văn tế vừa tài hoa vừa thành tâm đến kỳ lạ.
Với bài văn tế chồng độc đáo phảng phất nỗi niềm xưa cổ lồng trong một tâm sự riêng tư đầy cá tính này, Sương Nguyệt Anh cũng xứng đáng là nhà thơ nữ tiêu biểu của buổi giao thời mới - cũ. Phải chăng, bà không chỉ là Thanh Quan của miền Nam, bà còn là Tản Đà của dòng văn học nữ đầu thế kỷ XX.
Tên tuổi của bà được nhắc nhiều trên văn đàn công khai ở Nam Bộ trong những năm đầu thế kỷ XX. Và hiện nay tên bà được đặt cho một con đường ở quận I và một ngôi trường ở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.