Dân Việt

Gần 7,4 tỷ USD tài trợ cho Việt Nam

07/12/2011 06:38 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (6.12), Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG) 2011 đã diễn ra tại Hà Nội. Thông điệp của các nhà tài trợ năm nay là VN cần kiên quyết thực hiện tái cơ cấu, cải cách nền kinh tế để phát triển bền vững.

VN vẫn là đối tác hiệu quả nhất

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội của VN trong năm tới, Thứ trưởng Bộ KHĐT Cao Viết Sinh cho biết, năm 2012, nền kinh tế VN vẫn gặp không ít khó khăn. Đó là kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát, lãi suất còn cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Kinh tế thế giới năm 2012 có thể còn rơi vào suy thoái, đe dọa tới sự phát triển kinh tế của VN.

img
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự hội nghị.

Do vậy, "mục tiêu của VN trong năm tới là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột chính là cải cách đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tài chính-ngân hàng" - ông Sinh nói.

Đại diện ADB hoan nghênh VN vẫn duy trì được tài khóa chặt, giảm được lạm phát liên tục trong 6 tháng qua, khôi phục được lòng tin của người dân vào nền kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn của năm 2011. "ADB ủng hộ việc tái cơ cấu kinh tế của VN. Chúng tôi mong mỏi kinh tế vĩ mô của VN sẽ sớm ổn định nhờ cải cách các DN nhà nước, hệ thống ngân hàng, cơ sở hạ tầng, nguồn lực" - đại diện ADB nói.

Ông Sanray Kalra - đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đánh giá, lạm phát của VN tuy giảm nhưng vẫn còn cao nhất khu vực. VN cần có chính sách mạnh hơn để giảm lạm phát. Chính sách tài chính, tài khóa phải tốt hơn để giảm chi tiêu, duy trì tỷ giá hối đoái như hiện nay và ổn định tài khóa phải là công cụ dài hạn.

Đại sứ Nhật Bản tại VN Yasuaki Tanizaki thì cho rằng, để giải quyết các bất ổn, VN phải tăng kỷ luật tài khóa, giảm thâm hụt ngân sách. VN phải tính toán kỹ phân bổ ngân sách cho các dự án hiệu quả. Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách hành chính để giảm chi tiêu.

Đại sứ Nhật cho biết: "Năm tài khóa 2012, Nhật Bản sẽ tiếp tục là nhà tài trợ lớn cho VN, với mức ODA cam kết có thể lên tới trên 1,9 tỷ USD với hy vọng giúp VN sớm quay lại con đường phát triển bền vững".

Mặc dù được đánh giá rất cao, nhưng các đối tác phát triển cũng bày tỏ không ít lo ngại đối với nền kinh tế VN. Đại sứ Mỹ tại VN nói: "Chúng tôi mong mỏi VN cần hạn chế kiểm soát hành chính, tăng tính minh bạch và thực thi cơ chế thị trường trong các cải cách kinh tế của mình".

Đại diện Liên minh châu Âu (EU) thì thẳng thắn cho rằng, tham nhũng của VN còn lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lâu dài và cải cách của VN. VN có chính sách chống tham nhũng tốt nhưng còn những lỗ hổng trong thực thi. Do vậy, Chính phủ cần có sự lãnh đạo chính trị đủ mạnh, cụ thể để chống tham nhũng-"kẻ thù" của những cải cách.

Lạm phát có thể kiểm soát ở mức 9%

Tổng vốn ODA cho Việt Nam đã hơn 71 tỷ USD

Kết thúc hội nghị hôm qua, mức cam kết viện trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước cho Việt Nam trong năm 2012 đạt tới 7,386 tỷ USD. Mức cam kết tài trợ ODA năm 2011 cho Việt Nam là 7,88 tỷ USD. Như vậy, đến nay, tổng nguồn vốn ODA kể cả số vốn cam kết tại hội nghị lần này, lên tới hơn 71 tỷ USD.

Phát biểu bế mạc hội nghị, bà Victoria Kwakwa lưu ý Chính phủ VN cần phải quan tâm đến chất lượng và hiệu quả của các công trình, dự án đầu tư công.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh các ý kiến đóng góp xây dựng của các nhà tài trợ. Ông nói: "Năm 2012, VN sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11, đồng thời quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế”. Với kết quả đã đạt được trong năm 2011, ông cho rằng, năm 2012 VN có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 9% (năm 2011 là 18%).

Thủ tướng cho biết, sau 3 năm thâm hụt năm 2011, dự trữ ngoại tệ của VN đã tăng. VN đảm bảo được cân đối thu chi ngân sách, nợ công an toàn, bội chi giảm còn 4,9% so với kế hoạch là 5,3%; năm 2012, VN sẽ giảm tiếp bội chi ngân sách dưới 4,8%, GDP nỗ lực giữ ở mức 6% như năm 2011 để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Năm tới VN tiếp tục phấn đấu giảm 2% hộ nghèo, thực hiện hài hòa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.

"Chính phủ khẳng định năm 2012 sẽ cải cách mạnh hơn nữa thủ tục hành chính, trong đó thực hiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới. Kinh tế VN sẽ minh bạch, công khai hơn và VN sẽ đẩy mạnh chống tham nhũng" - Thủ tướng cam kết.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, VN đến nay vẫn là nước nghèo, hậu quả chiến tranh còn nặng nề, thiên tai biến đổi khí hậu đe dọa sự phát triển kinh tế; do vậy bên cạnh phát huy nội lực, VN rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng khẳng định: VN sẽ sử dụng hiệu quả hơn nữa các cam kết, trong đó thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn ODA, đầu tư hiệu quả hơn.