Dân Việt

Bình Định: Khu dân cư bị “tra tấn” vì phong trào nuôi chim yến

Dũ Tuấn 21/06/2018 06:00 GMT+7
Trước tình trạng bùng nổ việc nuôi yến tự phát trong khu dân cư, nhiều người dân ở TP. Quy Nhơn (Bình Định) bức xúc lên tiếng vì liên tục bị “tra tấn” bởi tiếng ồn. Nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng, thế nhưng các kiến nghị của họ vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Bất an bởi tiếng ồn

Theo khảo sát của phóng viên, tại phường Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn) có rất nhiều nhà nuôi yến tự phát “mọc” lên trong khu dân cư khiến người dân bức xúc.

Trong đó, đa số các hộ nuôi yến thực hiện mô hình “2 trong 1” theo kiểu “yến ở tầng trên, người tầng dưới”. Để thu hút, dẫn dụ chim yến, họ lắp đặt hệ thống âm thanh với những tiếng ồn chí chóe rất khó chịu.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hương (63 tuổi, phường Nhơn Bình), cho biết: “Cũng thấy phiền toái lắm, nhưng công việc làm ăn của người ta biết làm sao được. Tội là tội mấy người lớn tuổi và học sinh bởi thấy tiếng loa dụ yến kêu cả ngày lẫn đêm”.

img

Một nhà nuôi yến nằm sát trường học ở phường Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn). Ảnh Dũ Tuấn

Mới đây, người dân tại tại khu dân cư Đông Điện Biên Phủ và Chợ Dinh (khu vực 1,2 phường Nhơn Bình) đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Dân Việt/NTNN vì bị “tra tấn” bởi tiếng ồn. Trong đơn, các hộ dân “kể khổ”: “Lúc 5h sáng đến 9h tối mỗi ngày, tiếng kêu chát chúa, inh tai, nhức nhóc liên tục phát ra từ máy dụ chim yến làm người dân không sao chịu nổi. Tiếng ồn khiến nhiều người mắc các chứng bệnh như: ù tai, đau đầu, rối loạn thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lớn tuổi và việc học tập của học sinh. Cứ tiếp diễn như thế, chúng tôi nghĩ con em của hộ dân sống trong khu vực này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trí nhớ và mắc các bệnh về thần kinh và thính giác”.

Người dân than vãn việc nuôi yến tự phát gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng dân cư. Trong khi đó, khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở các cơ sở nuôi cũng chưa đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gia cầm.

“Chúng tôi không thể nào chịu được vì liên tục bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ chim yến của các nhà nuôi yến nằm xen kẽ trong khu dân cư và tiềm ẩn dịch bệnh từ việc nuôi chim yến.  Nhà nước quy hoạch nơi đây là khu dân cư chứ không phải để nuôi yến. Chúng tôi mong UBND TP. Quy Nhơn và các ngành chức năng của tỉnh sớm kiểm tra, có hướng giải quyết”, ông T.V.T (phường Nhơn Bình) bức xúc.  

Lúng túng xử lý

Theo ông Trần Ngọc Hiền - Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình, hiện trên địa bàn phường chưa có khu vực nào được quy hoạch vào mục đích nuôi yến, hầu hết các hộ nuôi đều làm tự phát.

“Phường đã tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng trên. Tuy nhiên, UBND phường không đủ thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Chúng tôi đề nghị các cấp, ngành liên quan của thành phố và tỉnh sớm có chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi yến” - ông Hiền cho hay.

img

Trước thực trạng nuôi yến tự phát, tỉnh Bình Định đang lên phương án siết chặt quản lý. Ảnh Dũ Tuấn

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Định, địa phương này khoảng 300 nhà nuôi yến, phân bổ trên 45 xã, phường, thị trấn, tập trung nhiều ở TP. Quy Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước...

Ông Đào Văn Hùng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, thừa nhận, việc nhà nuôi yến tự phát trong khu dân cư đang bùng nổ nhưng chưa có chế tài mạnh để xử lý nên đã gây ảnh hưởng đến người dân vùng lân cận.

“Để giải quyết tình trạng trên, chúng tôi đang thực hiện đề án quy hoạch vùng nuôi yến. Đối với hộ nuôi nhỏ lẻ đang nuôi thì sẽ cho tồn tại nhưng có giải pháp quản lý chặt chẽ như: khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra tần số âm thanh, sát trùng tiêu độc môi trường, kế hoạch phòng chống dịch bệnh.

Dự kiến, cuối năm nay đề án sẽ được UBND tỉnh Bình Định thông qua, khi đó việc nuôi yến được quy hoạch từng vùng, từng khu và có sự giám sát từ các ngành liên quan. Đây là mô hình kinh tế có thu nhập của người dân nên khi quản lý tốt thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao”, ông Hùng khẳng định.