Ông Nguyễn Công Danh (38 tuổi, trú thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) cho biết: “Không những người ở chợ mà người ở các làng khác cũng mang rác đến đây đổ. Nhà tôi luôn phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm vì mùi thối, chịu đựng không nổi”.
Rác thải vây kín nhiều vị trí tại bến thuyền Nhân Ân
Theo ông Danh, nhiều nhà dân xung quanh khu vực bến thuyền phải thường xuyên chịu cảnh bất an. Mùa nắng, ruồi nhặng sinh ra từ bãi rác bay túa lên, đậu khắp nhà cửa, đậu vào cả đồ ăn. Mùa mưa thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rất khó chịu.
“Hiện, gia đình tôi đang có 3 con dại, sống chung với bãi rác này nên luôn ám ảnh bởi bệnh tật. Thay vì cắm biển tuyên truyền bảo vệ môi trường thì cần có giải pháp mạnh hơn để xử lý tình trạng này”, ông Danh bức xúc.
Người dân địa phương cho hay, bãi rác tự phát này đã chiếm gần 1/3 bến thuyền Nhân Ân, đẩy bến thuyền ra xa hơn. Các loại rác thải sinh hoạt, phế liệu, xác súc vật chết… cứ phình to dần theo thời gian. Mặt nước khu vực bến thuyền đen ngòm, đặc quánh, mùi xú uế từ đây phát tán ra xa cả trăm mét. Tình trạng này đã tồn tại gần 10 năm nay, khiến người dân gần bến thuyền rất bức xúc.
Rác thải vây quanh, khiến cuộc sống người dân lân cận bất an
Mới đây, thanh niên và đoàn xã Phước Thuận mang đến khu vực bến thuyền và đặt 1 tấm biển với thông điệp: “Bảo vệ môi trường hãy bắt đầu từ bây giờ”. Tuy nhiên, việc vứt rác thải vẫn diễn ra, người dân đành mòi mỏi đợi chờ đơn vị chức năng quan tâm với giải pháp mạnh tay hơn.
“Suốt 10 năm nay, chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi thối, ruồi nhặng từ bãi rác. Nhìn người ta đổ mà bất lực, chẳng biết làm gì. Bất chấp, thời điểm nào cũng có người đem rác đến đổ. Có những người ở xa họ mang từng xe bò rác đến đổ vào lúc nửa đêm, gà gáy. Những ngày mưa lũ kéo về, rác trôi lềnh bềnh ra sông đi khắp các nẻo, số khác bị kẹt ở dưới không thoát đi được”, bà Phạm Thị Huệ (62 tuổi, xã Phước Thuận) phản ánh.
Đằng sau tấm biển bảo vệ môi trường là cảnh tượng rác khủng
Lý giải việc ô nhiễm môi trường trên, ông Lê Đức Quang - Phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), cho rằng, do trước nay địa bàn không có bãi tập kết rác thải nên người dân cứ đổ rác bừa bãi ra bến thuyền Nhân Ân. Bến thuyền này lại nằm sát chợ nên lượng rác được thải ra mỗi ngày với số lượng rất nhiều.
“Mới đây, UBND xã Phước Thuận đã tiến hành họp dân để đi đến thống nhất tập trung rác thải lại 1 điểm, rồi ký hợp đồng với 1 đơn vị thu gom rồi chở đến nơi xử lý đúng quy định. Tuy vậy, việc xử lý rác thải vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết dứt điểm được”, ông Quang cho hay.