Ông Hoàng Văn Sơn, ở khu 1 thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình là người chuyên nung vôi bán cho người trồng cam. Quê ông ở Thái Bình, nhưng sau nhiều năm ở thủ phủ cam, nên ông cũng dần đam mê nghiệp trồng cây có múi. Từ mảnh vườn nhỏ ban đầu, giờ ông cũng có trên 1ha cam. Điều đáng nói là tuy đi sau, nhưng ông Sơn lại luôn tìm tòi ra cách làm mới để nâng cao năng suất và chất lượng của cây cam.
Ông Sơn Hoàng Văn Sơn đang kiểm tra vườn cam.
“Cây có múi dễ tính. Từ gốc bưởi, mình có thể ghép cam Canh, cam lòng vàng và cam Velencia. Nhà tôi có mấy gốc cây bưởi Mỹ, tôi đã cắt hết các cành, đợi cây nảy mầm thì ghép cam Valencia vào...”, ông Sơn chia sẻ.
Ý định ban đầu của ông Sơn là tiếc gốc bưởi to bằng cái phích, không ngờ cách làm đó lại mang lại hiệu quả kép. Mắt ghép cam trên gốc bưởi phát triển tốt. Sau 2 năm đã bắt đầu cho thu hoạch. Đến năm thứ 3, cây cam ghép trên gốc bưởi lại cho năng suất cao gấp đôi so với cây cam khác không được ghép. Quả cam trên cây ghép cũng cho chất lượng và mẫu mã đẹp hơn. Đặc biệt là nhờ sống trên gốc bưởi già, cây cam gần như không mắc bệnh.
Cam ghép trên thân bưởi già luôn cho năng suất cao.
Vườn cam của ông Sơn rộng khoảng 1ha, cây khỏe đều, lá xanh, cây nào quả đầu vụ cũng sai chi chít. Từ ngày trồng cam, chưa khi nào ông bị mất mùa. Một trong những nguyên nhân vườn cam luôn được mùa là ông có những biện pháp kỹ thuật, chăm sóc tốt, biết khoanh gốc để cây cam ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Trung bình mỗi cây cho thu 3 - 4 tạ quả, tính giá hiện tại cũng có 6-7 triệu đồng /cây.
Năm nay, cam ghép trên thân bưởi năng suất không thua mọi năm. ông Sơn chia sẻ: "Khi cây bưởi đã già, sâu bệnh nhiều, khả năng cho quả thấp, hiệu quả kinh tế không cao, bà con không nên chặt bỏ để trồng cây khác mà nên tận dụng gốc bưởi làm gốc ghép để cải tạo bằng các giống cây có múi khác như cam chẳng hạn...".